Hiệu quả bước đầu thực hiện biệt phái thẩm phán trung cấp
Hải Dương là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện biệt phái thẩm phán trung cấp. Đây là giải pháp đột phá nhằm khắc phục tình trạng án quá tải hiện nay.
Thẩm phán làm việc tại Tòa án Nhân dân (TAND) cấp huyện song vẫn tiếp nhận, thụ lý giải quyết và trực tiếp tham gia xét xử một số vụ án của tòa cấp tỉnh. Đó là cơ chế biệt phái thẩm phán trung cấp mà TAND tỉnh đang áp dụng để giải quyết khó khăn do lượng án tăng đột biến. Cách làm này bước đầu đem lại hiệu quả.
Ông Hà Anh Đông, Trưởng Phòng Tổ chức TAND tỉnh cho biết: Từ tháng 7.2016, Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực. Các vụ việc hành chính cấp huyện trước đây do TAND cấp huyện giải quyết thì nay đều do TAND cấp tỉnh thụ lý giải quyết sơ thẩm.
Do đó, các vụ án hành chính của TAND tỉnh tăng cao đột biến. Các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình có tranh chấp đất đai mà các đương sự đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng đáng kể.
Theo ông Đông, từ tháng 1 đến hết tháng 8.2018, TAND tỉnh thụ lý 130 vụ án hành chính, 190 vụ án dân sự, 250 vụ án hôn nhân gia đình. TAND tỉnh giải quyết được 230 vụ, còn lại 340 vụ. Tòa Hành chính và Tòa Dân sự của TAND tỉnh chỉ có 5 thẩm phán.
Tính trung bình mỗi thẩm phán được phân công trên 100 hồ sơ (chưa kể hồ sơ do các năm cũ để lại). Người khởi kiện cư trú ở nhiều nơi trong tỉnh, nên thẩm phán mất nhiều thời gian đi lại xác minh.
Trong rất nhiều vụ việc, người bị khởi kiện là UBND cấp huyện, đại diện là lãnh đạo UBND cấp huyện chậm cung cấp các tài liệu, chứng cứ, xin vắng mặt... Do vậy, nhiều vụ án quá thời hạn xét xử dẫn đến tình trạng đương sự có đơn khiếu nại và khiếu nại vượt cấp.
Trước thực trạng trên, tháng 9.2018, TAND tỉnh đã báo cáo TAND tối cao cho thực hiện phương án biệt phái tại chỗ một số thẩm phán trung cấp của tòa án cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ giải quyết án hành chính và dân sự của TAND cấp tỉnh và đã được chấp thuận.
Chánh án TAND tỉnh đã quyết định biệt phái 16 thẩm phán trung cấp (gồm 8 Chánh án và 8 Phó Chánh án TAND cấp huyện) trong thời gian 3 năm. Ngoài ra còn biệt phái 16 thẩm tra viên, thư ký của các tòa cấp huyện tham gia giúp việc cho các thẩm phán.
Các thẩm phán biệt phái này nhận nhiệm vụ giải quyết xét xử một số vụ việc của TAND tỉnh theo quyết định phân công của Chánh án TAND tỉnh. Trong thời gian biệt phái, các thẩm phán đồng thời thực hiện nhiệm vụ của mình tại đơn vị đang công tác.
Để bảo đảm việc giải quyết án khách quan, minh bạch, việc phân công án cho thẩm phán biệt phái được thực hiện chéo giữa các địa phương.
Bà Phạm Thị Khánh Thiện, Phó Chánh TAND TP Hải Dương, thẩm phán trung cấp được biệt phái cho biết: "Công tác biệt phái là cơ hội tốt để chúng tôi rèn giũa, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ khi được tiếp xúc với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp".
Các thẩm phán như bà Thiện được trực tiếp xử lý các vụ án phúc thẩm mà ở tòa án cấp huyện không có để rút kinh nghiệm, áp dụng vào công việc của mình.
Với cách làm trên, các khó khăn vướng mắc trong giải quyết án hành chính của tỉnh đã được tháo gỡ hiệu quả. Tình trạng án quá thời hạn xét xử dẫn đến đương sự có đơn khiếu nại và khiếu nại vượt cấp đã chấm dứt.
Chỉ riêng đối với án hành chính, từ ngày 1.12.2018 đến 31.8.2019, TAND tỉnh đã giải quyết, xét xử tổng số 112/136 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 82%, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong xét xử các vụ án hành chính đã chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên và phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ để giải quyết đúng quy định, thời gian. Tỷ lệ án bị hủy và sửa đều ở mức thấp so với quy định của TAND tối cao.
Ông Nguyễn Văn Chất, Phó Chánh TAND tỉnh cho biết: Hải Dương là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện biệt phái thẩm phán trung cấp. Đây là giải pháp đột phá nhằm khắc phục tình trạng án quá tải gây áp lực trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án của TAND tỉnh hiện nay.
Qua một năm thực hiện biệt phái thẩm phán, kết hợp với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TAND tỉnh đối với công tác tổ chức xét xử, tiến độ giải quyết các vụ án của TAND tỉnh nói chung, nhất là án hành chính, dân sự và kinh doanh thương mại được đẩy nhanh.
Trước kia, kết quả xử lý án hành chính thường xuyên không đạt chỉ tiêu do TAND tối cao giao thì nay đã đạt và vượt kế hoạch được giao.