Hiệu quả bước đầu trong sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các cấp, ngành từ tỉnh đến các huyện đã khẩn trương thực hiện giảm đầu mối và cơ cấu bên trong của từng cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh. Sau một thời gian triển khai, bước đầu cho thấy bộ máy hoạt động ở các đơn vị đã hiệu quả hơn.

Sáp nhập, tinh gọn bảo đảm hiệu quả

Tính đến tháng 5-2019, toàn tỉnh còn 605 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 11 đơn vị sự nghiệp công lập so với trước khi thực hiện Nghị quyết 19.

Đối với ngành Y tế đã sắp xếp, sáp nhập 3 trung tâm gồm Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Tuyến tỉnh giảm 4 đầu mối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở. Tuyến huyện giảm 13 đầu mối đơn vị SNCL, giảm 9 trạm y tế xã, 3 phòng khám đa khoa khu vực. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện quản lý. Ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2018 - 2019 đã thực hiện sắp xếp, giảm 234 điểm trường, tiết kiệm được 183 giáo viên.

Mặc dù việc sáp nhập các đơn vị trong ngành Y tế là rất lớn, nhưng không có nhiều xáo trộn, các hoạt động về chuyên môn khám, chữa bệnh vẫn được đảm bảo. Bác sỹ Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, sau khi sáp nhập các đơn vị y tế dự phòng về một mối rất thuận tiện cho công tác quản lý, điều hành, ra văn bản, xây dựng kế hoạch và phân công công việc.

Khu tiếp đón bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Yên Sơn.

Khu tiếp đón bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Yên Sơn.

Việc hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện quản lý cũng cho thấy không có nhiều xáo trộn trong việc triển khai các hoạt động của đơn vị. Đồng chí Hoàng Việt Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang cho biết, mỗi lĩnh vực chuyên môn đều có cấp phó phụ trách. Những cán bộ, nhân viên thuộc lĩnh vực nào đảm nhiệm lĩnh vực đó. Tuy nhiên, người đứng đầu thì phải quản lý bao quát toàn bộ các lĩnh vực, dễ dàng điều động, phân công cán bộ làm công việc chung. Thuận lợi lớn nhất là việc phân công cán bộ tham gia vào thực hiện các công việc chung như: Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hay tổ chức các đợt tiêm phòng.

Theo kế hoạch đến năm 2021, huyện Na Hang sẽ tiến hành dồn ghép 33 điểm trường, tính đến nay, huyện đã thực hiện dồn ghép được 26 điểm. Đồng chí Cao Ngọc Đáng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Na Hang cho biết, việc sáp nhập các điểm trường không chỉ giảm về số lượng giáo viên mà đã giảm bớt những điểm trường thiếu thốn về cơ sở vật chất ở những thôn bản. Học sinh được học tập ở các trường học có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Do vậy chất lượng dạy và học cũng được nâng cao.

Hiện toàn tỉnh có 66 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ về tài chính, trong đó có 11 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 31 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, còn lại 21 đơn vị do nhà nước chi thường xuyên. Hiện các đơn vị thuộc đối tượng giao quyền tự chủ về tài chính cũng đã chủ động xây dựng phương án tự chủ. Đoạn Quản lý và Sửa chữa đường bộ là một trong 4 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giao thông - Vận tải thực hiện lộ trình cổ phần hóa trong giai đoạn 2018 - 2020.

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Đoạn Quản lý và Sửa chữa đường bộ cho biết, việc giao quyền tự chủ về tài chính cho đơn vị chính là mong muốn của ông và của người lao động trong đơn vị. Trên thực tế, đơn vị hoạt động, hạch toán tài chính theo quy định của một đơn vị sự nghiệp công lập, người lao động được trả lương theo quy định của Luật Viên chức. Nhưng toàn bộ kinh phí chi trả cho người lao động, đơn vị đã phải tự chủ từ khi thành lập đến nay. Vì vậy, việc tự chủ góp phần gỡ bỏ những rào cản, gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị.

Tiếp tục triển khai theo đúng lộ trình

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng các đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Dự kiến đến năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục giảm 29 đơn vị để còn 576 đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh tiến hành giải thể 5 Ban Di dân tái định cư các huyện để sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng; giải thể trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Ban Quản lý dự án vùng căn cứ cách mạng; hợp nhất 3 Ban Quản lý khu du lịch thành 1 Ban; hợp nhất Đoàn Nghệ thuật Dân tộc và Trung tâm Văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sáp nhập 7 Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện, thành phố vào Trung tâm Văn hóa, thông tin - thể thao huyện, thành phố; chuyển 10 đơn vị thành Công ty cổ phần gồm (4 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Giao thông - vận tải thành Công ty cổ phần; 6 Hạt quản lý giao thông các huyện); sáp nhập 2 đơn vị trực thuộc Sở Y tế vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Với quyết tâm cao, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19 bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đó sẽ là cơ sở để tỉnh thực hiện hiệu quả lộ trình và mục tiêu đề ra.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/hieu-qua-buoc-dau-trong-sap-xep-tinh-gon-cac-don-vi-su-nghiep-cong-lap-122354.html