Hiệu quả chăn nuôi bò lai 3B chất lượng cao
Mô hình nuôi bò lai BBB (3B) được du nhập vào địa bàn tỉnh ta khoảng 10 năm trước và được xem là giống bò thịt có cơ bắp phát triển siêu trội; ngoại hình đẹp, khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao. Với những ưu điểm vượt trội đó, nên một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động du nhập giống bò này đưa vào phát triển chăn nuôi.
Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi, phổ biến cho hộ chăn nuôi về quy trình chăm sóc bò lai 3B tại xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy).
Tại huyện Thiệu Hóa, bò lai 3B được du nhập vào địa bàn từ năm 2014, thông qua mô hình “chăn nuôi bò thịt năng suất, chất lượng cao”. Theo đó, huyện hỗ trợ cho các hộ dân tại 2 xã: Thiệu Nguyên và Thiệu Hợp kinh phí mua bò lai F1 3B để nuôi đối chứng với các đối tượng bò lai Zebu hiện có trên địa bàn; lựa chọn bò cái nền lai Zebu>75% máu ngoại, có ngoại hình đẹp, có trọng lượng từ 280 kg trở xuống để phối tinh bò thịt 3B thuần tạo con lai F1. Qua quá trình thực hiện mô hình cho thấy: Tinh bò 3B hợp với bò cái nền, nên tỷ lệ phối giống đạt cao. Do kết hợp được cả đặc tính tốt của con bố và bò cái Việt Nam, bê lai F1 3B sinh ra trọng lượng phù hợp, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, dễ nuôi, tạp ăn, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 20-24 kg/tháng. Khi mổ thịt bê lai F1 3B, chất lượng thịt thơm ngon, mềm, đạt tỷ lệ thịt khoảng 61-63%, trong khi các giống bò thịt khác chỉ đạt 38-40%. Nhờ đó, một con bò lai 3B thương phẩm hiện được các hộ nuôi bán với mức giá từ 35 đến 40 triệu đồng, cao hơn 5 đến 7 triệu đồng so với bò lai Zebu có trọng lượng tương đương.
Từ hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, nên mô hình nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều xã khác trên địa bàn, như: Thiệu Quang, Thiệu Phú, Tân Châu và thị trấn Thiệu Hóa... Với tổng số lượng bò lai 3B được duy trì hàng nằm đạt 1.250 con. Đánh giá về hiệu quả nuôi bò 3B, ông Nguyễn Văn Tọa, thôn Nguyên Sơn, xã Thiệu Nguyên, cho biết: Cuối năm 2020, ông đầu tư 100 triệu đồng để mua 4 con bò giống 3B, sau hơn 6 tháng nuôi và vừa xuất bán cả 4 con, được tổng số tiền 155 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí về giống, thức ăn và công chăm sóc, lãi đạt khoảng 40 triệu đồng, bình quân mỗi con lãi khoảng 10 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế, nên những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi, thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ kinh phí mua giống, phối tinh nhân tạo, tập huấn kỹ thuật quy trình chăm sóc bò lai 3B tại nhiều địa phương.
Ông Lê Trần Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi, thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Để nhân rộng mô hình nuôi bò lai 3B, những năm qua, trung tâm đã chuyển giao, xây dựng phương án nhân rộng mô hình thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Theo đó, trung tâm đã đào tạo kỹ thuật viên làm công tác TTNT, tập huấn người chăn nuôi bò cái sinh sản để TTNT bằng tinh đông lạnh giống bò đực 3B nhập khẩu. Kết quả thực tế cho thấy: Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp TTNT đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 - 30%. Thông qua phương pháp TTNT con lai F1 giống bò 3B giúp tăng nhanh đàn bò lai và khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những giống đực có năng suất cao đến các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc. Từ đó, tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi. Cũng nhờ phương pháp này mà đàn bò lai trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Hiện, tổng đàn bò toàn tỉnh đạt gần 170.000 con; trong đó, giống bò vàng chỉ chiếm 16,6%, bò lai chiếm tới 83,4%.