Hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn

PTĐT - Ngày 18/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Các em trực nhật Trường THCS Thu Ngạc được phân công hỗ trợ nhân viên phục vụ chuẩn bị bữa ăn hàng ngày.

Các em trực nhật Trường THCS Thu Ngạc được phân công hỗ trợ nhân viên phục vụ chuẩn bị bữa ăn hàng ngày.

PTĐT - Ngày 18/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có hàng ngàn học sinh ở các địa phương vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, tiếp bước đến trường thực hiện ước mơ học tập.
Thu Ngạc là một xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn của huyện Tân Sơn, trên 98% học sinh trường THCS Thu Ngạc là người dân tộc Mường. Thực hiện Nghị định 116, từ năm 2017, nhà trường đã triển khai học bán trú phục vụ cho các em học sinh nhà ở xa trường. Em Hà Thanh Ba, khu Đèo Mương, cách trường học khoảng 6km, hôm nay được phân công trực hỗ trợ nhà bếp sắp xếp mâm bát cho các bạn ở nội trú chia sẻ: “Em là út trong gia đình có 3 anh em, các anh của em đều nghỉ học giữa chừng vì điều kiện khó khăn. Từ khi lên học cấp 2 em được ở nội trú, được Nhà nước hỗ trợ gạo, ăn uống đầy đủ nên rất vui. Em hứa sẽ cố gắng học hành để sau này có việc làm ổn định, giúp đỡ bố, mẹ”.
Niềm vui của em Hà Thanh Ba không chỉ là niềm vui của các em học sinh Trường THCS Thu Ngạc mà còn là niềm vui chung của hàng nghìn lượt học sinh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ gạo trong thời gian qua theo Nghị định 116. Trường THCS Thu Ngạc cũng là 1 trong 7 trường THCS trên địa bàn tỉnh tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Để làm tốt công tác này, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lập Hội đồng và tổ chức xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách, tổng hợp danh sách gửi về Phòng GD&ĐT huyện phê duyệt, triển khai chính sách hỗ trợ. Thầy giáo Lỗ Quốc Tài - Hiệu trưởng Trường THCS Thu Ngạc cho biết: “Nhờ chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo đã giúp các trường khó khăn trên địa bàn tỉnh nói chung và Trường THCS Thu Ngạc nói riêng giải được bài toán khó mà những người làm giáo dục vùng cao đều trăn trở nhiều năm nay, đó là giúp các em vững tâm đến trường học tập. Chính vì thế, từ năm 2017 đến nay, nhà trường không có học sinh bỏ học giữa chừng”.Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh thuộc diện thụ hưởng mỗi tháng được hỗ trợ 15kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm; ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở. Để thực hiện hiệu quả chính sách, vào thời điểm đầu năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính, các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi tại UBND các xã, trên bảng tin nhà trường, giờ sinh hoạt lớp, họp phụ huynh… về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, các trường TH, THCS thành lập Hội đồng và tổ chức xét duyệt các đối tượng được hưởng chính sách, tổng hợp danh sách gửi về Phòng GD&ĐT. Đối với các trường THPT, việc xét duyệt do Sở GD&ĐT thực hiện. Sau khi có quyết định phê duyệt của Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT gửi kết quả phê duyệt học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ để các trường thông báo công khai và tổ chức thực hiện. Từ năm học 2016 đến hết năm 2019, thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, tổng số kinh phí hỗ trợ là trên 53,1 tỷ đồng; trong đó số gạo hỗ trợ là 1.237.575kg với 18.173 lượt học sinh được thụ hưởng. Từ nguồn hỗ trợ đã tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội đến trường, giảm áp lực kinh tế cho gia đình người học; học sinh có chỗ ăn, ở tại trường để yên tâm học, giảm tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng do kinh tế gia đình khó khăn. Do đó, đến năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng là 0,2% giảm 0,19% so với năm học 2016-2017. Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh nói chung tiếp tục được duy trì, ổn định và tiến bộ; chất lượng giáo dục mũi nhọn tham gia các kỳ thi, hội thi, học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, điểm bình quân vào các trường đại học ổn định và nằm trong nhóm tỉnh có thứ hạng cao. Chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc miền núi tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ học sinh giỏi toàn tỉnh, cũng như tỷ lệ học sinh giỏi vùng dân tộc miền núi cũng tăng dần theo từng năm.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Nghị định số 116 rất có ý nghĩa, đã giúp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, từ đó góp phần duy trì sĩ số học sinh và chia sẻ kinh phí với ngành giáo dục, đó cũng là nguồn động viên giúp các em chăm lo học tốt. Từ khi tiếp nhận chính sách, ngành GD&ĐT tỉnh luôn quan tâm thực hiện phát gạo kịp thời. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo các Phòng GD&ĐT và các trường THPT khẩn trương làm danh sách đề nghị tiếp tục hỗ trợ trong năm học này”.Mỗi tháng, số gạo được cấp cho mỗi học sinh không nhiều nhưng với các em học sinh ở những vùng khó khăn thực sự là món quà nâng bước các em đến trường. Đây là chính sách mang giá trị nhân văn rất lớn đang được các cấp chính quyền triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh.

Quỳnh Chi

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202010/hieu-qua-chinh-sach-ho-tro-cho-hoc-sinh-vung-kho-khan-173537