Hiệu quả chưa như kỳ vọng
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản có vai trò quan trọng nhằm minh bạch thông tin sản phẩm. Tuy nhiên, hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc chưa được như kỳ vọng do người nông dân chỉ áp dụng một cách hời hợt, các điều kiện sản xuất chưa đáp ứng với quy định...
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản có vai trò quan trọng nhằm minh bạch thông tin sản phẩm. Ảnh: Hải Anh
Theo bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), với diện tích 34ha chuyên sản xuất rau hữu cơ, nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, đến nay, nhiều đơn vị đã ký hợp đồng thu mua rau hữu cơ Thanh Xuân. Điển hình là các công ty: Cổ phần Đầu tư Tâm Đạt, TNHH VinaGAP (Bác Tôm), cổ phần Obis - Nông sản ngon… và sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân đã có mặt trên hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội với giá cao hơn thị trường khoảng 20-30%...
Đánh giá về hiệu quả của việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua ở Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản Hà Nội đã hỗ trợ và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 2.854 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản. Việc này mang lại hiệu quả thiết thực nhằm minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường và các cơ quan quản lý giám sát được chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, nhất là ghi chép nhật ký sản xuất. Nhiều cơ sở sản xuất còn áp dụng công nghệ thông tin thấp, ngại tốn kém chi phí khi gắn mã vạch cho sản phẩm dẫn tới lúng túng trong cách quản lý.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho rằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phần lớn quy mô nhỏ, ít vốn, chưa áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong quá trình sản xuất; nhận thức của một số cơ sở về sử dụng mã truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Từ thực tế sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cũng cho biết, hiện nay, việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản khiến chi phí sản xuất của hợp tác xã tăng 10-15%, nhưng lượng tiêu thụ còn nhỏ lẻ nên chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư.
Để tháo gỡ những khó khăn, tiếp tục mở rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, tạo sự khác biệt giữa nông sản an toàn và không an toàn, theo ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), các ngành chức năng sớm tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ chi phí ban đầu cho các hợp tác xã trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản.
Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Ngọc Tân, huyện sẽ hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm về truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hội chợ do thành phố tổ chức để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm đến người tiêu dùng; ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đưa nông sản an toàn có nguồn gốc vào kênh phân phối hiện đại.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký mã số, mã vạch để triển khai truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng bao bì gắn tem truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản được bảo hộ tham gia hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc chung của thành phố Hà Nội.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/997586/hieu-qua-chua-nhu-ky-vong