Hiệu quả chương trình hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao Mèo Vạc

Sau 1 năm triển khai chương trình hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho các trường học ở Mèo Vạc của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã giúp địa phương giải quyết khó khăn về việc thiếu giáo viên, nâng cao khả năng tiếng Anh cho học sinh, thúc đẩy chuyển đổi số.

Cô giáo Nguyễn Diệu Linh, Trường Marie Curie trong giờ lên lớp trực tiếp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn.

Cô giáo Nguyễn Diệu Linh, Trường Marie Curie trong giờ lên lớp trực tiếp tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn.

Năm học 2022 - 2023, lần đầu tiên học sinh lớp 3 học chương trình giáo dục phổ thông 2018 học tiếng Anh bắt buộc. Toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh với 76 lớp 3, nhưng chỉ có 25 giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó duy nhất một giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Trước tình hình đó, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie đã khởi xướng và cử giáo viên dạy tiếng Anh trực tuyến cho toàn bộ học sinh lớp 3 của huyện Mèo Vạc với tổng kinh phí bước đầu triển khai trên 1,7 tỉ đồng. Tham gia dự án là 23 giáo viên trẻ, người đã đi làm, là sinh viên năm cuối ngành ngôn ngữ Anh hoặc sư phạm tiếng Anh. Mỗi lớp có 4 tiết/tuần, trong đó 3 tiết dạy trực tuyến qua lớp học ảo trên nền tảng zoom từ điểm cầu Hà Nội, 1 tiết còn lại do các thầy, cô giáo Mèo Vạc phụ trách.

Cô giáo Đặng Ngọc Diệp, Trường Marie Curie chia sẻ: Lúc đầu tham gia dự án, em cùng các bạn rất lo lắng, vì học sinh vùng cao chưa quen hình thức học trực tuyến, hệ thống đường truyền chưa ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, sau một thời gian học tập, các em không còn tự ti, e dè, thậm chí mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Anh với thầy, cô và bạn bè. Thông qua hình thức học phong phú với nhiều hoạt động bổ ích, vui vẻ… giúp các em thêm yêu thích môn tiếng Anh.

Đánh giá kết quả sau một năm học, thầy giáo Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết: Với sự hỗ trợ của Trường Marie Curie, các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn huyện đã hoàn thành nhiệm vụ dạy và học. Học sinh rất háo hức với các nhiệm vụ, nền nếp giảng dạy của các thầy, cô giáo và lịch học môn tiếng Anh, các buổi học đều đảm bảo từ việc chuẩn bị bài vở, sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Giáo viên thể hiện thái độ tích cực, thân thiện với học sinh và cũng nhận được sự hợp tác tốt từ phía học trò. Cách thức tổ chức buổi học của giáo viên phù hợp với mục tiêu bài dạy, trình độ và lứa tuổi của học sinh.

Vừa qua, các đơn vị trường học đã lựa chọn những học sinh tiêu biểu tham gia giao lưu môn tiếng Anh đối với lớp 3, trong đó có 20/32 học sinh đạt giải cấp huyện, 4/20 em học sinh đạt giải cấp tỉnh. Sau khi tổng kết năm học đầu tiên thực hiện việc hỗ trợ, Trường Marie Curie Hà Nội đã quyết định sẽ tiếp tục đồng hành giảng dạy môn tiếng Anh cho toàn bộ học sinh lớp 4 trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Đây là việc làm ý nghĩa, nhân văn, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại huyện Mèo Vạc nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói chung.

Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202306/hieu-qua-chuong-trinh-ho-tro-day-tieng-anh-cho-hoc-sinh-vung-cao-meo-vac-ac61158/