Hiệu quả Chương trình Mẹ đỡ đầu

199 trẻ em mồ côi vì dịch bệnh Covid-19 và trên 2,3 ngàn trẻ em mồ côi do nguyên nhân khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời… là kết quả của Chương trình Mẹ đỡ đầu sau 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Thượng tá Nông Thị Minh Huệ (thứ 3 từ trái qua), Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh, thăm, tặng quà và nhận đỡ đầu trẻ mồ côi. Ảnh: Ban Phụ nữ Công an tỉnh cung cấp

Thượng tá Nông Thị Minh Huệ (thứ 3 từ trái qua), Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh, thăm, tặng quà và nhận đỡ đầu trẻ mồ côi. Ảnh: Ban Phụ nữ Công an tỉnh cung cấp

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lê Thị Thái cho rằng, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở trong tuyên truyền; rà soát, xác minh thông tin cho đến việc kết nối mẹ đỡ đầu…

Các cấp hội chung tay

Cách đây 3 năm, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người tử vong, nhiều trẻ em bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi cha, mẹ, thậm chí có những em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ và là điểm tựa cho trẻ mồ côi, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động Chương trình Mẹ đỡ đầu với mục tiêu vận động, kết nối cá nhân, đơn vị, tổ chức, nhất là phụ nữ tại địa bàn có trẻ mồ côi sinh sống, nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI cho hay, công tác vận động, kết nối hiện vẫn được các cấp hội duy trì thường xuyên nhằm vận động thêm nguồn lực hỗ trợ cho trẻ mồ côi nhân Tháng Hành động vì trẻ em, Ngày quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, dịp khai giảng năm học mới…

Cùng với việc ban hành kế hoạch, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn 100% Hội LHPN các huyện và cơ sở triển khai thực hiện Chương trình Mẹ đỡ đầu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang Facebook, Zalo của hội để lan tỏa mục đích, ý nghĩa của chương trình đến các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân mạnh thường quân. Tiếp đến, rà soát, nắm bắt số lượng, hoàn cảnh của trẻ mồ côi do Covid-19 và mồ côi do nguyên nhân khác để có phương án hỗ trợ phù hợp.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu Trần Mỹ Ngọc chia sẻ, bước đầu hội vận động người thân trong gia đình trẻ làm mẹ đỡ đầu. Với những trường hợp không còn người thân, hội mới vận động cán bộ chi, tổ hội làm mẹ đỡ đầu hoặc vận động các tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái, ở gần trẻ mồ côi làm mẹ đỡ đầu để tiện gần gũi, chăm sóc trẻ.

Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh, thượng tá Nông Thị Minh Huệ cho hay, trên cơ sở số liệu trẻ mồ côi do Hội LHPN tỉnh cung cấp, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã liên hệ với địa phương để rà soát, xác minh hoàn cảnh. Hội phụ nữ cơ sở đã trực tiếp làm việc với gia đình, người nuôi dưỡng trẻ, chính quyền địa phương về việc nhận đỡ đầu. Đồng thời, cam kết về mức hỗ trợ giữa mẹ đỡ đầu và gia đình trẻ được nhận đỡ đầu cho đến năm 18 tuổi.

Để chương trình đạt kết quả, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã vận động cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị và mạnh thường quân đóng góp kinh phí cùng san sẻ khó khăn cho các em. Ngoài hỗ trợ sinh hoạt phí, hàng tháng, hội phụ nữ cơ sở phân công cán bộ, hội viên (mẹ đỡ đầu) đến thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ sinh hoạt phí, đồ dùng thiết yếu, đồ dùng học tập… cho các em. 3 năm qua, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu 43 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí ước tính trên 1 tỷ đồng.

Sự quan tâm, đồng hành của cá nhân, đơn vị

Bà Lê Thị Thái cho rằng, bên cạnh vai trò của các cấp Hội, Chương trình Mẹ đỡ đầu đạt được kết quả như hiện nay còn nhờ sự quan tâm, đồng hành của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phí Thị Thu Hà trao hỗ trợ cho trẻ mồ côi của thành phố Biên Hòa được nhận đỡ đầu. Ảnh:Nga Sơn

Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phí Thị Thu Hà trao hỗ trợ cho trẻ mồ côi của thành phố Biên Hòa được nhận đỡ đầu. Ảnh:Nga Sơn

3 năm thực hiện Chương trình Mẹ đỡ đầu, đến nay chương trình đã kết nối được trên 400 tập thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân nhận đỡ đầu 199 trẻ mồ côi do Covid-19 (mức hỗ trợ bình quân từ 1-2 triệu đồng/em) và trên 2,3 ngàn trẻ mồ côi do nguyên nhân khác có hoàn cảnh khó khăn (mức hỗ trợ từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/em).

Trong số đơn vị đồng hành, hỗ trợ Chương trình Mẹ đỡ đầu có thể kể đến đóng góp của Quỹ Công tác xã hội Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Trọng Bình nhận đỡ đầu cho 24 trẻ mồ côi tại các huyện Trảng Bom, Long Thành và thành phố Biên Hòa với số tiền 500 ngàn đồng/em/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Ngoài ra, quỹ sẽ hỗ trợ đột xuất nếu nhu cầu của các em chính đáng.

Bên cạnh đó là đóng góp của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành cam kết hỗ trợ 10 tỷ đồng trong thời gian 10 năm (mỗi năm 1 tỷ đồng). Qua 3 năm phối hợp đã hỗ trợ hàng trăm trẻ mồ côi mỗi năm. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành còn hỗ trợ đột xuất một số trường hợp mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hay Quỹ Khởi sự từ tâm đã hỗ trợ 625 triệu đồng cho 10 trẻ mồ côi vì Covid-19 trong vòng 5 năm…

Tham gia làm mẹ đỡ đầu của 2 trẻ mồ côi cách đây 2 năm, bà Nguyễn Thị Khánh Trang, Phó trưởng phòng Giao dịch phụ trách dịch vụ khách hàng Ngân hàng HDBank huyện Nhơn Trạch, cho hay đây là chương trình nhân văn, góp phần kết nối cộng đồng cùng chăm lo cho trẻ em mồ côi, giúp các em có thêm điều kiện học tập, phát triển, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

“Tôi hy vọng Chương trình Mẹ đỡ đầu sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhận được nhiều hơn sự quan tâm, đồng hành của các tập thể, cá nhân để 100% trẻ mồ côi được đỡ đầu” - bà Khánh Trang bày tỏ.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202408/hieu-qua-chuong-trinh-me-do-dau-be05912/