Hiệu quả chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn ở Thuận Châu
Từ sự nỗ lực của Sở Công Thương, ngành Điện lực, cùng nguồn vốn của huyện Thuận Châu, dòng điện lưới quốc gia đang tỏa sáng trên khắp các bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Thuận Châu. Có điện, người dân đã đổi thay nhiều mặt trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, từng bước thoát nghèo và nâng cao mức sống.
Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Giai đoạn 2017 - 2020, huyện Thuận Châu có 77 dự án cấp điện cho 3.634 hộ, tại 85 bản được triển khai. Trong đó, dự án do Sở Công Thương làm chủ đầu tư cấp điện cho 2.085 hộ, thuộc 40 bản trên địa bàn 8 xã: Co Tòng, Co Mạ, Pá Lông, Mường Bám, Nậm Lầu, Phổng Lái, Muổi Nọi và Mường É; Dự án do ngành Điện lực làm chủ đầu tư cấp điện cho 1.308 hộ thuộc 36 bản trên địa bàn 12 xã: É Tòng, Co Mạ, Long Hẹ, Phổng Lập, Mường Bám, Nậm Lầu, Chiềng Bôm, Bản Lầm, Muổi Nọi, Chiềng Ly, Chiềng Ngàm và Mường É; nguồn vốn của huyện đầu tư cấp điện cho 241 hộ tại 9 bản trên địa bàn 7 xã: Chiềng La, Long Hẹ, Phổng Lập, Chiềng Bôm, Phổng Lái, Chiềng Ly, Thôm Mòn.
Riêng năm 2021, toàn huyện đầu tư cấp điện cho 944 hộ, trong đó, dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia do Sở Công Thương làm chủ đầu tư đã cấp điện cho 777 hộ, ngành Điện đầu tư cấp điện cho 167 hộ. Cụ thể, đã đầu tư cấp mới cho 608 hộ tại 10 bản và các cụm dân cư chưa được sử dụng điện; nâng cấp điện an toàn cho 336 hộ tại 9 bản.
Trong quá trình triển khai các dự án, huyện phối hợp với ngành Công Thương, Điện lực vận động nhân dân các bản trực tiếp có dự án và các bản có dự án đi qua tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản, vật kiến trúc trong phạm vi ảnh hưởng; nhờ đó, các dự án không phải sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, các đơn vị thi công khắc phục khó khăn do địa bàn đồi núi, hầu hết các bản trong vùng dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa, để triển khai dự án. Cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của người dân, hết năm 2021, các dự án đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, nâng tổng số hộ trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn trên 92,3%, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần; đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển kinh tế.
Bon Phặng là một trong những xã có tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,5% và tỷ lệ điện an toàn cao với hơn 99,8%. Ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Do địa bàn đồi núi, các hộ dân sinh sống thưa thớt, người dân tận dụng cọc tre, cọc gỗ tạm bợ để trống đường điện, tiềm ẩn mất an toàn vào mùa mưa bão; những hộ dân muốn dùng điện phải tự bỏ kinh phí đầu tư đường dây. Cuối năm vừa rồi, bản Pát và Noong Ỏ là hai bản cuối cùng của xã được cấp điện lưới quốc gia, góp phần hoàn thành tiêu chí số 4 về điện của xã trong xây dựng nông thôn mới, bà con vô cùng vui mừng.
Ông Lò Văn Yêu, Trưởng bản Pát, phấn khởi nói: Khi chưa có điện lưới, 52 hộ dân trong bản phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Có điện, thuận lợi cho con trẻ học bài, người lớn được xem ti vi học cách làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhất là, bà con có điều kiện sử dụng những thiết bị phục vụ đời sống như máy xay xát hay máy băm cỏ phục vụ chăn nuôi... Dân bản vui lắm!
Triển khai Chương trình cấp điện nông thôn năm 2022, Sở Công Thương, ngành Điện lực, huyện Thuận Châu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng; phối hợp, tham gia, tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai các dự án cấp điện, nâng cấp hệ thống điện đúng tiến độ cho 2.921 hộ và cấp mới cho 250 hộ chưa được sử dụng điện. Phấn đấu năm 2022, nâng tỷ lệ số hộ trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,3%; tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt trên 95%.