Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Tam Nông

PTĐT - Những năm gần đây, huyện Tam Nông đã khuyến khích, vận động người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại cây trồng, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao...

Mô hình trồng chuối tây cho hiệu quả kinh tế ổn định của HTX nông nghiệp Thượng Nông.

Mô hình trồng chuối tây cho hiệu quả kinh tế ổn định của HTX nông nghiệp Thượng Nông.

PTĐT - Những năm gần đây, huyện Tam Nông đã khuyến khích, vận động người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại cây trồng, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần tăng giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, HTX nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông là một trong những đơn vị đi đầu trong việc liên kết sản xuất theo chuỗi trên địa bàn huyện, tỉnh. HTX tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm như: Chuối tây, bưởi da xanh, bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện HTX trồng trên 60ha các loại cây ăn quả, trong đó trên 40ha chuối tây, 20ha bưởi, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng/năm.Đưa chúng tôi đi thăm thành quả sau nhiều năm gắn bó, miệt mài lao động để biến những mảnh đất bãi thành vườn cây ăn quả xanh mướt, anh Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Nông chia sẻ: Nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp- hợp tác xã - hộ nông dân, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên HTX và nông dân tích cực tham gia sản xuất. 23 thành viên sản xuất trong HTX vui mừng, phấn khởi bởi biết chắc chắn sản phẩm mình làm ra đảm bảo chất lượng và sản lượng tiêu thụ cũng như biết được bày bán ở đâu, giá cả như thế nào… từ đó tạo động lực để chuyên tâm sản xuất. Hiện nay, toàn xã Dân Quyền có gần 90ha cây trồng các loại như: Ớt, chuối, măng tây, đu đủ… cho thu nhập ổn định. Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân trong xã đã chú trọng đến việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.Xác định chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, thời gian qua, huyện Tam Nông đã tiến hành dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai. Trong quá trình thực hiện, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từng bước tháo gỡ những nút thắt, trong đó tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức, làm thay đổi tư duy canh tác lạc hậu của người nông dân. Đến nay, huyện đã thực hiện dồn đổi ở hầu hết các xã với tổng diện tích dồn đổi trên 2.000ha, tổng số thửa trước dồn đổi gần 95.000 thửa, sau giảm còn 13.000 thửa, trước dồn đổi bình quân mỗi hộ có 7,18 thửa, sau giảm còn 2,04 thửa. Sau thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất đã dần hình thành các vùng chuyên canh giống mới có năng suất, chất lượng cao như măng tây, ớt, chuối, cam canh, bưởi Diễn, cây dược liệu… Đặc biệt, đã phát triển 7 vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao và các tiêu chuẩn an toàn sinh học vào sản xuất. Những diện tích trồng lúa bấp bênh nay được chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như các xã: Tề Lễ, Hương Nộn, Lam Sơn, Bắc Sơn, Vạn Xuân... với tổng diện tích trên 400ha. Điển hình là mô hình trồng cam tại xã Hương Nộn với diện tích 28ha, cho thu nhập trên 600 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau, quả trong nhà lưới của HTX rau, củ quả Liên Mạnh và HTX nông nghiệp Sông Đà cho sản lượng đạt 80-90 tấn/năm… thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm… Ông Kiều Quốc Phong - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những năm qua, huyện đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất đúng mùa vụ và lựa chọn các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; tổ chức và phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát triển HTX, tổ sản xuất có đủ điều kiện ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hình thành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; nhất là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, tem nhãn có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với người dân…

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202010/hieu-qua-chuyen-dich-co-cau-cay-trong-o-tam-nong-173559