Hiệu quả chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở Mỹ Ðức

Ðầu năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 03 của Huyện ủy Ðạ Tẻh về chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Mỹ Ðức đã vươn lên thành điểm sáng, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới và được huyện chọn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện chủ trương chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, thâm canh, cải tạo và chuyển đổi diện tích điều cũ năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây dâu, cao su, cây ăn trái…, đến tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Nhà máy ươm tơ công suất 200 kg tơ/ngày đặt tại xã Mỹ Đức. Ảnh: M.Đ

Nhà máy ươm tơ công suất 200 kg tơ/ngày đặt tại xã Mỹ Đức. Ảnh: M.Đ

Phục hồi nghề dâu tằm

Hai ưu thế nội tại để Mỹ Đức dựa vào, đó là kinh nghiệm, năng lực nghề tằm tang của nông dân từ các huyện tỉnh Hà Tây cũ vào lập nghiệp và đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng gần sông suối đã hình thành và phát triển những năm 1991-1992. Trải qua những thăng trầm của ngành dâu tằm, năm 2016, với định hướng, khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật của huyện và xã, người dân chia sẻ kinh nghiệm, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển nhanh đến từng hộ. Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Thư cho biết, đến nay, cây dâu trên địa bàn xã đã có tổng diện tích 231 ha, tăng 166 ha so với 5 năm trước. Ông Thư nói: “Chúng tôi tập trung phát triển cây dâu và nghề nuôi tằm bởi nhận thấy đây là hướng đi không chỉ là xóa đói, giảm nghèo, mà đã thực sự trở thành nghề thu nhập khá. Với mức đạt bình quân từ 200-250 triệu đồng/ha/năm, cây dâu đứng đầu về thu nhập trong tất cả cây trồng trên địa bàn”.

Với tổng số 325 hộ (1.225 nhân khẩu), xã Mỹ Đức hiện có khoảng hơn 2/3 hộ theo nghề trồng dâu nuôi tằm; tập trung từ Thôn 1 đến Thôn 7, chỉ trừ Thôn 8, nơi các hộ đồng bào dân tộc Mạ phát triển cây cao su theo dự án hỗ trợ. Hiện nay, tổng sản lượng kén toàn xã đạt khoảng 500 tấn, nhiều mô hình trồng dâu nuôi tằm của xã trở thành điểm sáng trong cộng đồng.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thư cho biết, có những hộ dân đạt tổng doanh thu hàng năm rất cao từ 250 đến 400 triệu đồng/năm.

Để mục sở thị, chúng tôi theo chân Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã đến hộ gia đình còn trẻ là anh Trần Lê Mạnh và chị Mã Thị Quyên đang trồng dâu trên 8 sào đất của gia đình và thuê thêm 4 sào nữa để trồng dâu. Phương thức thu hoạch gối 2 tháng một lần, trung bình mỗi tháng anh chị thu 200 kg kén, giá bán trung bình 85.000 đồng/kg. Giống tằm mua từ thương lái 650.000 đồng/hộp, đạt từ 80-100 kg kén. Mỗi năm, 1,2 ha dâu này sau khi trừ chi phí giống, phân bón, mỗi tháng hộ gia đình anh Mạnh thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng mà chỉ sử dụng 2 lao động chính.

Chủ tịch Thư cũng bày tỏ niềm vui rằng, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có khoảng 1.000 ha dâu nhưng nhà máy ươm tơ duy nhất được đặt tại xã Mỹ Đức là điều kiện rất thuận lợi đối với nông dân của xã. Đó là nhà máy ươm tơ của Công ty TNHH tơ lụa Minh Quân. Đại diện nhà máy, chị Nguyễn Thị Hoa, trợ lý giám đốc cho tôi biết: Nhà máy đầu tư 15 tỷ đồng vào năm 2018; công suất thiết kế đạt 200 kg tơ (bằng 1,6 tấn kén)/ngày. Hiện, nhà máy thu mua kén mỗi tuần 4 ngày, chỉ khoảng 10 tấn của huyện Đạ Tẻh, còn lại phải mua các địa phương khác. Theo chị Hoa, nhà máy mua trực tiếp với dân, giá 100.000-105.000 đồng/kg kén, tùy chất lượng kén 500 hay 700 mét/con kén. Trong đó, trung bình của xã Mỹ Đức khoảng 1,5-2 tấn, mới đạt 1/3 số hộ dân theo nghề dâu tằm. Sở dĩ còn nhiều hộ chưa bán kén cho nhà máy vì đây là quy luật cạnh tranh thị trường như Chủ tịch Thư nói. Chị Hoa chia sẻ: “Công ty có 2 nhà máy ươm tơ, ngoài Phúc Hưng ở Bảo Lộc, nhà máy này mới ra đời nên chưa tạo được niềm tin của nhiều hộ dân. Tơ của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu đi Ấn Độ. Chúng tôi đã ký hợp đồng với đối tác đến tháng 9 này, chỉ lo chất lượng không đảm bảo và sản lượng kén thiếu”. Thực tiễn cho thấy cần giải được các bài toán kinh tế: nhà máy cần có những chính sách phù hợp từ cung cấp giống tằm có chất lượng, phân bón và kỹ thuật chăm sóc đến thu mua sản lượng kén; nhà nông cần nâng cao chất lượng và năng suất cây dâu và kén tằm để có thu nhập cao. Đây là bước đi tất yếu của quan hệ tương hỗ giữa doanh nghiệp và nông dân.

Yếu tố thay đổi nông thôn

Việc chuyển đổi giống và cây trồng ở xã Mỹ Đức đã trở thành một trong các yếu tố tác động lớn đối với bộ mặt nông thôn. So với năm 2015, năm 2019, tổng diện tích cây công nghiệp tăng 104,9% (3.013 ha); giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đạt 80 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng. Cùng cây dâu với 231 ha; cây ăn quả 165 ha, tăng 135 ha (riêng sầu riêng 65 ha); diện tích điều giảm mạnh từ 1.471 ha còn 1.050 ha, giảm 421 ha; cao su tiểu điền từ 358 lên 450 ha, tăng 92 ha... Cùng đó, lực lượng lao động nông thôn được đào tạo theo hướng hiện đại hóa (42 lớp, đào tạo nghề được 1.021 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 từ 21% lên 42,55% năm 2018).

Với sự phát triển đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Mỹ Đức giảm đáng kể: năm 2015 còn 12,19%; năm 2019 chỉ còn 4,44% (hàng năm giảm 2,6%, vượt so với Nghị quyết 2,1%/năm); hộ cận nghèo từ 7,08% còn 5,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 24,8 triệu đồng/người/năm, nay nâng lên 39,5 triệu đồng; đạt 100,64% kế hoạch và tăng 3,355 triệu đồng so với năm 2018. Năm 2019, Mỹ Đức có tổng sản lượng lương thực ước 115,05 tấn (đạt 100% kế hoạch) và vượt 56,1 tấn so với năm 2018; thu ngân sách đạt 500 triệu đồng, bằng 130% kế hoạch. Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Thư cũng chia vui với chúng tôi rằng: Năm 2018, đoàn thẩm định nông thôn mới của huyện về xã và công nhận ngay đạt 19/19 tiêu chí. Tiếp nối thành công này, huyện Đạ Tẻh đã chọn xã Mỹ Đức tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

MINH ÐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/hieu-qua-chuyen-doi-cay-trong-vat-nuoi-o-my-uc-2961872/