Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bảo Thắng

Dù trời đã quá trưa nhưng chị Trần Thị Huệ, thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng) vẫn tất bật làm đất để kịp trồng vụ dưa mới. Trên 6 sào ruộng, gia đình chị trồng các loại dưa lê, dưa bở, dưa hấu... Chị Huệ cho biết: Diện tích này trước kia cấy lúa nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém nên 3 năm gần đây, gia đình tôi chuyển sang trồng dưa với hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần.

Chị Trần Thị Huệ, thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên tranh thủ làm đất để trồng vụ dưa mới.

Chị Trần Thị Huệ, thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên tranh thủ làm đất để trồng vụ dưa mới.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng thôn Đo Ngoài, ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết: Trước đây, cánh đồng rộng 17 ha được người dân cấy lúa nhưng năng suất lúa thấp. Được xã tuyên truyền, vận động, từ năm 2016, toàn bộ diện tích này được người dân cải tạo để trồng rau, dưa các loại. Theo tính toán, giá trị canh tác lúa đạt 42 triệu đồng/ha; giá trị canh tác các cây trồng khác hiện đạt 210 triệu đồng/ha. Đến nay, hầu hết diện tích đất trồng, cấy lúa kém hiệu quả của xã đã được chuyển sang trồng rau màu, cây ăn quả và trồng rừng.

Không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn đem lại tín hiệu tích cực trong xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác ở địa phương. Điều này được thể hiện ở thu nhập bình quân năm 2019 của xã đạt 32,8 triệu đồng/người/năm và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, vùng đất Thái Niên còn nổi danh với loại quả thơm ngon nức tiếng là bưởi Múc, với hơn 100 ha. Sản phẩm quả bưởi Múc đã được công nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh. Rõ ràng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Thái Niên đang ngày càng khẳng định hướng đi đúng và phát huy hiệu quả.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương là chủ trương của tỉnh nói chung và huyện Bảo Thắng nói riêng trong suốt thời gian qua. Theo ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, đối với diện tích đất lúa kém hiệu quả, huyện khuyến khích các địa phương vận động người dân chuyển sang các cây trồng khác như rau màu, cây ăn quả... và chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang trồng rau, hoa ứng dụng một phần công nghệ cao để nâng cao thu nhập.

Bảo Thắng có nhiều lợi thế để phát triển vùng trồng cây ăn quả.

Bảo Thắng có nhiều lợi thế để phát triển vùng trồng cây ăn quả.

Trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện đã hình thành vùng cây ăn quả 2.600 ha, trong đó khoảng 2.200 ha đang cho thu hoạch. Có thể kể đến vùng trồng bưởi Múc, nhãn, na, chanh ở các xã Bản Cầm, Bản Phiệt, Phong Niên, Xuân Quang, Thái Niên và thị trấn Nông trường Phong Hải. Nắm được xu hướng mới, gần đây, huyện Bảo Thắng triển khai mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã Sơn Hà, Sơn Hải, Gia Phú, Xuân Giao với các cây trồng chính như bưởi da xanh, mít tứ quý, xoài Đài Loan… phấn đấu đến năm 2025 có hơn 200 ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, có khoảng 700 ha đất trồng, cấy lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng rau, màu. Nhờ đó, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác của huyện đạt 250 - 300 triệu đồng, cá biệt có cây trồng giúp mang lại 700 triệu đồng/ha (bưởi Múc). Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khai thác hiệu quả lợi thế từng vùng và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Để làm được điều này, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các cây trồng, diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang những cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương và nằm trong vùng quy hoạch chung, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung. Quan tâm công tác tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho người dân; giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế…

Trong thời gian tới, huyện Bảo Thắng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua việc duy trì và phát triển vùng cây ăn quả hiện có; phấn đấu có thêm 12 - 13 ha rau, hoa ứng dụng công nghệ cao và hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị sản phẩm... Nghiên cứu đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất để giúp người dân nâng cao thu nhập, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/hieu-qua-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-bao-thang-z3n20200430084910885.htm