Bài cuối: Để xứng đáng với sự tin cậy và yêu mến của Nhân dân
TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Trong điều kiện hiện nay, thông tin càng nhanh nhạy, càng phong phú càng tốt nhưng nhanh nhạy và phong phú đến mấy cũng phải trung thực, chính xác, toàn diện và không thổi phồng hoặc bôi đen. Tức là thông tin có cân nhắc hiệu quả xã hội, vì lợi ích chung, không vì giật gân, câu khách, không mơ hồ, mất cảnh giác, để lộ bí mật quốc gia. Dưới ánh sáng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: 'Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đa dạng, nhiều chiều, kịp thời, chân thực và bổ ích'(7).
Trung thực, chính xác, toàn diện và nhân văn
Hiện nay, vẫn có người cố ý cho rằng, báo chí phương Tây trung thực, tự do và đòi báo chí chúng ta phải “làm như báo chí phương Tây”(!). Kỳ thực, ai cũng biết, các cơ quan thông tin đại chúng lớn trên thế giới đều được các tập đoàn tư bản lớn hoặc Chính phủ đỡ đầu và bảo trợ về tài chính; phần lớn các cơ quan truyền thông nằm trong tay tư nhân và chịu sự kiểm duyệt của họ. Sự trung thực và tự do của nó chẳng qua là sự trung thực và tự do có lợi cho các ông chủ và tự do phục tùng vô điều kiện quyền lợi của số ít các ông chủ tư nhân bỏ tiền nuôi dưỡng và điều khiển nó. Đó chính là sự khác biệt về bản chất giữa nền báo chí tư sản với nền báo chí cách mạng. Xuất phát từ sự thống nhất giữa lợi ích của Đảng với lợi ích của dân tộc, của Nhân dân, sự chân thật và tự do của báo chí chúng ta được bảo đảm tất yếu bởi lợi ích chân chính của toàn thể đất nước vì nền độc lập tự do đất nước, vì chủ nghĩa xã hội và vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân ta.
Vì thế, bản thân tính tư tưởng, tính chân thật của báo chí nước nhà đã tự mang trong nó một cách tự nhiên tính Nhân dân sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo". Chỉ riêng thước đo này cũng đủ đòi hỏi hệ thống báo chí cách mạng phải nỗ lực không ngừng nâng cao để thật sự xứng đáng là diễn đàn của Nhân dân. Đó không chỉ là nơi Nhân dân nói mà còn phải là nơi nói tiếng nói phụng sự Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, vì mục đích cuộc cách mạng do Đảng dẫn dắt cũng là cuộc cách mạng của Nhân dân và vì Nhân dân. Do đó, nếu thông tin là chức năng cơ bản của báo chí thì trách nhiệm của mỗi nhà báo, của nền báo chí chúng ta là đáp ứng vô điều kiện quyền được thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, như Người chỉ dẫn: "Không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân"(8). Tư tưởng ấy được vun đắp từ cơ sở một niềm tin bất diệt về sự tốt đẹp và vĩ đại của Nhân dân, sức mạnh làm nên lịch sử của Nhân dân và khởi nguồn từ một tình yêu cao cả đối với Nhân dân. Do đó, Nhân dân muốn nói gì, viết gì thì có báo của Đảng, báo của đoàn thể mình, báo của ngành mình, của tầng lớp mình, vì đó chính là diễn đàn cũng của chính Nhân dân, chứ không cần tới một tờ báo tư nhân nào hết.
Trong bức điện gửi Hội nhà báo Á Phi, đề ngày 24.4.1965, Hồ Chí Minh viết: "Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng..."(9). Tâm sự với các nhà báo nước nhà, Người căn dặn: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng", "ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà", "cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu"(10).
Rõ ràng, dù Người nói với các nhà báo trong nước hay nước ngoài, những ý tưởng ấy đều thống nhất và xuyên thấm với nhau một cách tự nhiên và tuyệt vời nhân văn, rằng báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp Nhân dân.
Dẫn dắt nền báo chí nước nhà, dưới ánh sáng tư tưởng đó của Người, Đảng ta luôn ý thức rõ, tin tưởng trao cho và cổ vũ báo chí thực hiện sứ mệnh: "... Kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, khắc phục các biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích và các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc khác. Tích cực biểu dương nhân tố mới, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, góp phần làm lành mạnh xã hội, giữ gìn và phát huy cái truyền thống tốt đẹp, bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại"(11). Điểm mấu chốt ở đây, đó là việc xử lý nhuần nhuyễn giữa xây và chống, mà trước hết mỗi nhà báo, mỗi tờ báo thực hiện nghiêm khắc điều đó từ bản thân mình. Đó là thước đo bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân được thể hiện tập trung ở việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của mỗi người cầm bút; thước đo tính chính trị đúng đắn hay chệch hướng, trình độ phát triển nghề nghiệp cao hay thấp, khả năng tổ chức chặt chẽ hay chệch choạc của cả hệ thống báo chí trong việc thực hiện thiên chức của báo chí cách mạng vừa là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể vừa là người tổ chức tập thể, vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn chặt với chủ nghĩa xã hội, vì sự lớn mạnh của báo chí, trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy cơ hội nhưng cũng tiềm tàng những nguy cơ, thách thức "mất, còn" hiện nay.
Bản thân sự vận động của lịch sử là đa diện. Cuộc sống tự nó là những tiến trình phát triển phong phú, muôn hình vẻ. Là tấm gương phản chiếu xã hội, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, nền báo chí chúng ta tất yếu mang trong nó tính đa dạng bản sắc không ngừng phát triển trong tính thống nhất của hệ giá trị báo chí Việt Nam. Đó là thực tiễn vận động tất yếu và là xu thế phát triển khách quan của báo chí. Mỗi tờ báo là một gương mặt độc đáo, đậm đà bản sắc tạo nên dung mạo tổng thể sinh động và hài hòa của binh chủng báo chí Việt Nam hùng hậu, giàu màu sắc. Hạ thấp tính đa dạng của báo chí cũng đồng nghĩa với sự cản trở tiến trình phát triển tất yếu của nó; và ngược lại, thổi phồng quá mức tính thống nhất lại là sự khô cứng hóa, khuôn hóa đời sống của nền báo chí nước nhà. Rốt cuộc, cả hai thái cực đều tai hại như nhau.
Càng bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế càng trở nên bức thiết hơn. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, ngày nay, các dân tộc càng trở nên gần gũi nhau hơn trong một “thế giới phẳng” và không phẳng. Báo chí chính là chiếc cầu nối kết sự giao tế giữa các quốc gia, là phương tiện giúp cho sự hiểu biết nhau hơn giữa các cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Báo của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới, cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết".
Theo tư tưởng đó của Người, Đảng ta yêu cầu báo chí một mặt phải chủ động, sáng tạo "làm tốt công tác thông tin đối ngoại, giúp cho cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình đất nước, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân ta"(12); mặt khác, "không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ, nghề nghiệp, từng bước hiện đại hóa"(13). Điểm cần nhấn mạnh, không hiện đại hóa báo chí thì báo chí rất khó thực hiện các chức năng của mình một cách nhanh nhạy, kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Tổng hòa toàn bộ những nhân tố đó mà xây dựng và hoàn thiện một hệ giá trị, làm cho nó có sức lan tỏa và thấm sâu trong đời sống của nền báo chí Việt Nam, tạo nên diện mạo, cốt cách và bản lĩnh của báo chí nước nhà trong công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trọng trách ấy trước hết và sau cùng thuộc về Đảng. Và thực tế, Đảng ta đã và đang không ngừng nỗ lực thực hiện trọng trách ấy.
Xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh, ngang tầm sự nghiệp đổi mới
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta tiếp tục đổi mới và tăng cường mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí nước nhà
Tự lãnh nhiệm về mình sứ mệnh cao cả là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và là diễn đàn của Nhân dân, báo chí Việt Nam thừa nhận, yêu cầu và đồng thời coi là nhu cầu tất yếu sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, sự tín nhiệm của Nhân dân đối với báo chí. Đến lượt mình, Đảng và Nhà nước coi việc lãnh đạo, quản lý báo chí nước ta phục vụ sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là một tất yếu, một nhu cầu, một công việc quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo và quản lý của mình.
Đảng lãnh đạo nền báo chí là nguyên tắc. Trong điều kiện hiện nay, điều đó càng đòi hỏi một cách nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Nó là một bảo đảm để nền báo chí chúng ta giữ vững tôn chỉ, mục đích, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của mình và phát triển một cách toàn diện, và qua đây, Đảng chủ động và nỗ lực phấn đấu không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trên mặt trận tư tưởng văn hóa ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng. Đảng lãnh đạo báo chí không chỉ bằng đường lối chính trị chung mà khi cần thiết còn phải chỉ rõ những hướng phát triển cụ thể phù hợp với từng thời kỳ lịch sử đất nước và thời đại, qua Hội Nhà báo, thậm chí với từng tờ báo cụ thể. Điều đó không đồng nghĩa với kiểu "cầm tay chỉ việc báo chí".
Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo của mình đối với báo chí thông qua các tổ chức đảng, các đảng viên và đội ngũ cốt cán của mình tại các cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền khác. Để làm tốt tư cách là người lãnh đạo, ở đây, hơn ai hết và hơn bao giờ hết, Đảng càng thấm thía lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ người lãnh đạo nào nếu không học nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực ở cấp dưới, thì nhất định không biết chỉ đạo chúng”(14). Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là điều kiện hết sức cơ bản bảo đảm cho hoạt động báo chí phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, vững chắc và phát huy ảnh hưởng của mình.
Công tác quản lý báo chí bao gồm cả hai mặt: một là, kiến tạo hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý báo chí; và hai là, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và hiệu quả bảo đảm cho hệ thống đó vận hành. Nghĩa là, tiếp tục phân định rõ không chỉ về định tính mà cần định lượng cụ thể lực lượng, trước hết là cấu trúc lại hệ thống báo chí và đội ngũ những người làm báo, hợp thành binh chủng báo chí tư tưởng chỉnh thể và ngang tầm hoạt động bằng hệ thể chế tương dung, phù hợp và hiệu quả.
Có thể nói, ở đây, vấn đề sống còn là cán bộ. Sau khi có đường lối đúng thì cán bộ quyết định tất cả. Do đó, cần phải có một chiến lược cán bộ ngang tầm với đòi hỏi của chiến lược phát triển báo chí, trước mắt trong tầm nhìn tới năm 2030 và năm 2045. Tiếp tục hết sức coi trọng từ khâu then chốt: đào tạo cán bộ tới lựa chọn, bố trí và đào tạo lại cán bộ... Không có đội ngũ cán bộ báo chí trung thành về chính trị, đủ năng lực về chuyên môn, bảo đảm về phẩm hạnh đạo đức... thì không thể tổ chức thực hiện thành công các yêu cầu và nhiệm vụ phát triển báo chí trước yêu cầu phát triển mới, nếu không nói vô hình trung làm nản lòng sự tự do, sáng tạo của báo chí, làm rối loạn hệ thống báo chí nước nhà và đến lượt Nhà nước cũng tự hạ thấp vai trò quản lý của mình trên mặt trận nóng bỏng và quan trọng này.
Đồng thời, xây dựng một hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động của nền báo chí thật sự nhịp nhàng, hiệu quả đúng pháp luật phải được xem là sự tổng thành hệ các công cụ pháp lý đồng bộ, cụ thể và khả thi. Đó là hệ chế định pháp lý: luật và bộ luật, hệ các chính sách, quản lý vĩ mô, sự phối hợp đồng bộ các cơ quan quản lý liên ngành và chuyên ngành báo chí, chính sách đặc thù đối với báo chí... Trong hành lang pháp lý, nhà báo - công dân và toàn bộ hệ thống báo chí thực hiện tự do, sáng tạo nhất trách nhiệm xã hội và chức năng nghề nghiệp của mình, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của đất nước, thành tín và tận tâm phụng sự Nhân dân.
Đó là sự thành tâm của nền báo chí nước nhà, nguyện không phụ sự tin cậy, ủy thác của Chủ tịch Hồ Chí Minh và không phụ mối "duyên nợ với báo chí" của Người, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh, dưới ánh sáng tư tưởng của Người, ngang tầm sự nghiệp đổi mới hiện nay và tương lai.
(7) Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 15.
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.661.
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.441.
(10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.414.
(11) Bộ Chính trị Trung ương Đảng: Chỉ thị "Về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí xuất bản", dẫn theo "Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo", Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội 1998, tr 352-353.
(12) Bộ Chính trị Trung ương Đảng: Chỉ thị đd.... , tr. 353.
(13) Bộ Chính trị Trung ương Đảng: Chỉ thị đd.... , tr. 353.
(14) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.289.