Hiệu quả chuyển đổi số, góc nhìn từ Bệnh viện Việt Đức

Năng lực đội ngũ y, bác sĩ có giỏi chuyên môn đến mấy, nhưng thiếu và yếu mảng số hóa (chuyển đổi số) thì việc khám, điều trị và cứu người của các bệnh viện coi như giảm đi một nửa. Vì vậy, chuyển đổi số đươc ngành Y tế được xem là một trong những trụ cột, nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh viện Việt Đức là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, thực tế đã, đang mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 3/2/2023, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ngày 5/4/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 1710/QĐ-BYT về Kế hoạch hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ; tiếp đó, ngày 23/4/2024 Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 1064/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Bộ Y tế.

Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, Bệnh viện Việt Đức là một trong những cơ sở y tế công lập nhanh chóng triển khai chuyển đổi số để nâng cao công tác khám, điều trị bệnh, cũng như giảm chi phí để đảm bảo thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động.

Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, Bệnh viện Việt Đức là một trong những cơ sở y tế công lập nhanh chóng triển khai chuyển đổi số để nâng cao công tác khám, điều trị bệnh, cũng như giảm chi phí để đảm bảo thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động.

Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương và hệ thống Y tế cơ sở coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đặc biệt, lãnh đạo các bệnh viện luôn ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong kỷ nguyên của khoa học công nghệ vốn phát triển như vũ bão. Nếu “chậm chân”, công tác cứu người sẽ kém hiệu quả; nếu chậm chuyển đổi, chi phí khám, chữa bệnh sẽ cao lên. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy, thu nhập của người lao động giảm sút, chất lượng khám, điều trị bệnh cũng giảm theo. Đấy là chưa kể, “chuyển đổi số” nghe như cụm từ khô cứng, nhưng chính nhờ chuyển đổi số nội hàm lại rất nhân văn. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mà những bệnh nhân ở tuyến địa phương, vùng sâu, vùng xa được các bác sĩ hàng đầu tuyến Trung ương, khám, hội chẩn, điều trị từ xa… rất nhiều bệnh nhân được chữa trị, gánh nặng tài chính cũng giảm bớt cho người dân, nhất là đồng bào nghèo.

Với phương châm “bệnh viện không giấy tờ”, quản lý tài sản công khai, minh bạch, thời gian vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã chuyển đổi thành công ứng dụng phần mềm quản lý tài sản. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, để giảm chi phí, Bệnh viện không mua tem QR, mà mua máy in tem và huy động nhân lực tại các khoa để thống kê tài sản. Chỉ trong vòng 2 tháng, với sự nỗ lực của từng thành viên, Bệnh viện đã dán xong tem lên toàn bộ tài sản cố định, tạo ra bước ngoặt trong quản lý tài sản minh bạch và hiệu quả. Hiện tại, tất cả tài sản trong Bệnh viện đều được định danh đúng luật và các cá nhân, đơn vị có thể cùng giám sát trong công tác quản lý.

TS Dương Đức Hùng (giữa)- Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trao đổi về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, khám và điều trị bệnh (Ảnh: BVVĐ)

TS Dương Đức Hùng (giữa)- Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trao đổi về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, khám và điều trị bệnh (Ảnh: BVVĐ)

Đặc biệt, với phần mềm này, qua máy tính, Ban lãnh đạo, giám đốc Bệnh viện có thể biết được từng vật tư, máy móc ở mỗi khoa, phòng một cách chi tiết như: Ngày sản xuất, ngày mua, nguồn mua hay tài trợ, mới hay cũ, khấu hao còn bao nhiêu, cần sửa chữa hay phải mua mới… Việc tính khấu hao theo quy định do phần mềm tự thực hiện, còn vật tư tiêu hao cập nhật theo thời gian thực, giúp Bệnh viện chủ động lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu, thay vì đợi hết, hỏng mới mua sắm, sửa chữa. Phần mềm còn có cơ chế điều chuyển tài sản giữa các khoa, phòng một cách linh hoạt, tránh lãng phí. Các khoa phòng đề xuất mua sắm, sửa chữa đều thực hiện trên phần mềm, công khai, nên tăng trách nhiệm cho những người liên quan.

TS Dương Đức Hùng nhấn mạnh, thông qua phần mềm này, các đề xuất được tiến hành nhanh chóng, không cần phải đến tận nơi đánh giá, lập biên bản, rồi chờ đợi phê duyệt sửa chữa hay mua sắm như trước, giảm được thủ tục và thời gian. Quản lý tài sản bằng chuyển đổi số đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả cao, điều này hiện chưa nhiều bệnh viện công làm được. Cùng với các mô hình khám, tư vấn bệnh từ xa, “bệnh viện không giấy tờ”, Bệnh viện Việt Đức cũng triển khai mô hình bệnh viện thông minh. Cụ thể, Bệnh viện đã sử dụng hệ thống PACS (truyền và lưu trữ hình ảnh). Với ứng dụng này, Việt Đức đã số hóa toàn bộ hình ảnh nội soi, điện tim, chiếu chụp, tích hợp kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và thay vì in phim rồi giao cho bệnh nhân, nay chúng tôi giao bệnh án điện tử của bệnh nhân cho họ, để họ có thể sử dụng khám chữa bệnh ở nơi khác.

Đối với công tác khám chữa bệnh, mỗi bệnh nhân đến bệnh viện đều có một ID là số căn cước công dân, đảm bảo thống nhất, an toàn, không lo nhầm lẫn. Cạnh đó, Bệnh viện Việt Đức cũng đang triển khai mã vân tay để thuận tiện cho bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh, không lo quên hay thất lạc giấy tờ.

Nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng các trang thiết bị hiện đại cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những "trụ cột" để Bệnh viện phát triển. (Ảnh: BVVĐ)

Nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng các trang thiết bị hiện đại cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những "trụ cột" để Bệnh viện phát triển. (Ảnh: BVVĐ)

Bên cạnh những kết quả trên, một trong những thành quả về chuyển đổi số giúp Bệnh viện tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, không ảnh hưởng đến sức khỏe đội ngũ chuyên môn chính là không in phim. Lý do, phim chụp không thể lưu trữ lâu vì sẽ hỏng, nhưng số hóa sẽ lưu trữ các dữ liệu khám, chữa bệnh của bệnh nhân trong suốt cuộc đời. Các thông tin về diễn biến bệnh tật của bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ khám lần sau điều chỉnh thuốc, hay can thiệp phù hợp, có lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Với người mắc tim bẩm sinh thì dữ liệu rất quan trọng để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bệnh trạng.

TS Dương Đức Hùng thông tin, việc không in phim, tráng phim, rửa phim và sản xuất túi đựng phim, còn làm giảm tới khoảng 33 tỷ/năm cho Quỹ Bảo hiểm Y tế, chưa kể giảm độc hại môi trường từ thuốc rửa, máy in phim. Cạnh đó, chuyển đổi số là nền tảng để Bệnh viện Việt Đức nhanh chóng triển khai bệnh án điện tử. Dự kiến hết năm 2024, trên 90% sẽ là bệnh án điện tử, dần xóa bệnh án giấy. Đồng thời, tiến tới “phủ kín” không dùng tiền mặt trong thanh toán khám, điều trị bệnh.

Bệnh viện là nơi để “cứu người”. Song trong điều kiện hiện nay, Bệnh viện cũng là đơn vị sự nghiệp có thu (lấy thu bù chi), tự chủ về tài chính, nên hoạt động cũng như mô hình doanh nghiệp; đều phải tuân theo quy luật giá trị (chất lượng, giá thành), quy luật cung - cầu. Áp lực với Ban lãnh đạo Bệnh viện về lương, thu nhập, phụ cấp cho đội ngũ viên chức, người lao động là rất lớn. Vì thế, để hóa giải những mâu thuẫn nội tại trên, vừa để hoàn thành sứ mệnh “cứu người”, là nơi khám, điều trị cho bệnh nhân, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, vừa để tự tạo nguồn thu, nguồn tài chính “nuôi sống” cán bộ, nhân viên y tế, tái đầu tư hệ thống cơ sở khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân, chuyển đổi số thực sự trở thành cứu cánh.

Những kết quả từ chuyển đổi số mà Bệnh viện Việt Đức - một trong những bệnh viện đặc biệt tuyến Trung ương thu được kết quả từ chuyển đổi số thời gian qua, đã chứng minh hướng đi đúng trong xu thế không thể đảo ngược của kỷ nguyên số. Đặc biệt, trong việc nâng cao khám, điều trị bệnh cho người dân và đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động của bệnh viện, trả lương, thu nhập cho viên chức, người lao động khi các bệnh viện phải tự chủ tài chính.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hieu-qua-chuyen-doi-so-goc-nhin-tu-benh-vien-viet-duc-175379.html