Hiệu quả chuyển giao thiết bị và phần mềm giấy phép lái xe ở An Giang
Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) An Giang là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả cải cách hành chính (CCHC). Nhằm tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực GTVT, góp phần nâng cao tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh, Sở GTVT đã thực hiện giải pháp chuyển giao thiết bị và phần mềm giấy phép lái xe cho bộ phận 'một cửa' cấp huyện.
Thực hiện thủ tục hành chính cấp đổi giấy phép lái xe của ngành giao thông - vận tải
Phó Giám đốc Sở GTVT An Giang Đỗ Văn Thơm cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã tích cực triển khai các giải pháp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC, đặc biệt là hồ sơ thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 trên môi trường Internet, hồ sơ liên kết tiếp nhận qua hệ thống bưu chính công ích của Bưu điện tỉnh đạt kết quả tốt. Từ đó, góp phần vào kết quả chung nâng cao hiệu quả CCHC của tỉnh, nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh những năm qua.
Để tiếp tục tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện TTHC lĩnh vực GTVT, Sở GTVT An Giang đã chuyển giao thiết bị và phần mềm giấy phép lái xe cho bộ phận “một cửa” cấp huyện. Đồng thời, ban hành văn bản gửi Sở Nội vụ tham mưu trình UBND tỉnh và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương trang bị dụng cụ thực hiện TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện”.
Tiếp đó, Sở GTVT An Giang đã tổ chức hướng dẫn TTHC cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và tập huấn cho cán bộ, công chức ở các địa phương được cử tham gia sử dụng phần mềm quản lý giấy phép lái xe, thực hiện kết nối trực tuyến TTHC tiếp nhận từ bộ phận “một cửa” cấp huyện đến Sở GTVT. Để hỗ trợ các địa phương, sở bố trí cán bộ trực tiếp đến bộ phận “một cửa” cấp huyện để cài phần phềm, tạo tài khoản (User), mật khẩu (Pass) cập nhật vào hệ thống; cung cấp tài liệu tập huấn, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng: Máy chụp ảnh Canon D600, chân máy T600EX; khung nhôm, phông xanh… để triển khai tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại giấy phép lái xe của người dân ở địa phương.
Kết quả, năm 2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết theo yêu cầu của người dân, tổ chức DN tại các bưu cục thuộc Bưu điện tỉnh; đăng ký trực tuyến và tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả Sở GTVT ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 32.463 hồ sơ (trực tuyến 13.360 hồ sơ, trực tiếp và bưu chính công ích 19.103 hồ sơ). Số lượng hồ sơ đã giải quyết 32.463 hồ sơ, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn 100%.
Riêng về việc chuyển giao thiết bị và phần mềm giấy phép lái xe cho bộ phận “một cửa” cấp huyện, trong năm 2021 thực hiện trả kết quả cho 4.503 giấy phép lái xe, tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC trên 2 tỷ đồng (chi phí đi lại, ăn uống, thời gian bỏ ra thực hiện TTHC, tương đương 400.000-500.000 đồng/ngày/người).
Việc thực hiện giải pháp chuyển giao thiết bị và phần mềm giấy phép lái xe cho bộ phận “một cửa” cấp huyện đã được UBND tỉnh, Sở Nội vụ ủng hộ, đánh giá cao và sự hoan nghênh của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh. Ông Huỳnh Trí (ngụ xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) cho biết: “Nếu như trước đây làm giấy phép lái xe thì phải về tỉnh. Còn sau khi đưa việc cấp, đổi giấy phép lái xe về bộ phận “một cửa” cấp huyện thực hiện, tôi thấy rất tiện lợi cho người dân, giảm bớt rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc đi lại”.
Ông Đỗ Văn Thơm chia sẻ: “Việc tiếp tục thực hiện phương án số 724/PA-SGTVT “Nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”, chuyển các TTHC GTVT giao tiếp nhận tại bộ phận “một cửa” các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN và người dân có nhu cầu chủ động chọn lựa cách thức thực hiện TTHC ngay tại địa phương nơi cư trú, nơi lao động, học tập, nơi đặt trụ sở làm việc, không mất thời gian, công sức đi lại; tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC. Qua đó, góp phần công khai, minh bạch hồ sơ TTHC, tăng cường sự giám sát của chính quyền cơ sở và người dân trong quá trình thực hiện TTHC”.
Năm 2022, Sở GTVT An Giang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nội dung, giải pháp, biện pháp đẩy mạnh thực hiện CCHC, cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả công tác quản trị và hành chính công PAPI, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, DDCI. Cùng với tổ chức ứng dụng, khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý điều hành nhà nước chuyên ngành và thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN.