Hiệu quả công tác cải cách tư pháp

Trong những năm qua, công tác cải cách tư pháp (CCTP) trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, thiết thực, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác CCTP trong tình hình mới.

Xã Sào Báy (Kim Bôi) niêm yết công khai các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tìm hiểu, cập nhật thông tin.

Xã Sào Báy (Kim Bôi) niêm yết công khai các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tìm hiểu, cập nhật thông tin.

Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả, đồng bộ công tác tư pháp. Ngành triển khai thực hiện tốt việc xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình thực tế; công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính đi vào nền nếp, có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được duy trì, hướng về cơ sở...

Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” được tập trung triển khai, nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Năm 2020 đã tổ chức, lồng ghép được gần 3.000 hội nghị tập huấn, tuyên truyên pháp luật cho gần 350.000 lượt người nghe. Bên cạnh đó, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Toàn tỉnh hiện có 150 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 232 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.233 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

Ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp tại các cơ quan đăng ký hộ tịch 3 cấp trong tỉnh. Phần mềm đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch năm 2014. Phối hợp Công an tỉnh, BHXH tỉnh, cùng các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch cho công dân.

Đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng chuyên môn, bảo đảm TGPL trong hoạt động tố tụng, thực hiện TGPL 100% vụ việc khi có yêu cầu. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với việc lấy đối tượng người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế là mục tiêu phục vụ, hoạt động TGPL đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thụ lý TGPL 10.274 vụ, việc. Trong đó, tư vấn pháp luật tại trụ sở và các buổi truyền thông ở cơ sở 9.586 vụ, việc; tham gia tố tụng 631 vụ, việc; đại diện ngoài tố tụng 57 vụ, việc; truyền thông TGPL 764 đợt/872 điểm tại các xóm, xã vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động phối hợp TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng có hiệu quả, vai trò của trợ giúp viên đã được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự... Ngoài ra, hoạt động của đội ngũ luật sư, công chứng viên, giám định viên được quan tâm, tạo điều kiện. Việc giám định tư pháp thực hiện đúng quy định.

Đồng chí Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác CCTP của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; TGPL; thi hành án dân sự được tăng cường; việc bắt tạm giam, tạm giữ, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện đúng quy định của pháp luật; các vụ việc được các ngành tập trung phối hợp giải quyết dứt điểm, đúng tiến độ; các vụ án được xét xử đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Bộ máy tổ chức tư pháp được quan tâm, củng cố, kiện toàn; điều kiện về cơ sở vật chất và các trang thiết bị làm việc đảm bảo. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tư pháp, nhất là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và sự giám sát chặt chẽ của UB MTTQ ngày càng chặt chẽ, góp phần tích cực trong việc ổn định ANCT - TTATXH trên địa bàn.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/149273/hieu-qua-cong-tac-cai-cach-tu-phap.htm