Hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở vùng biên
Ngay từ đầu năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hồng tích cực phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Theo đó, người nghèo, người cận nghèo, đối tượng yếu thế tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế, cất nhà tình thương, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp xã hội... nhằm phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo kế hoạch đề ra trong năm 2024.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hồng, cho biết: “Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và việc làm luôn được ngành huyện, xã và thị trấn quan tâm. Năm 2023, từ việc tổ chức, tham gia nhiều hoạt động khác nhau, toàn huyện giải quyết việc làm cho gần 2.300 lao động; tổ chức 20 lớp đào tạo nghề nông thôn; giải ngân các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo. Ngoài ra, huyện Tân Hồng còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Công ty Cổ phần Nhật Huy Khang International (TP Hồ Chí Minh) tổ chức phiên giao dịch việc làm và tuyển chọn lao động đi làm việc ở Nhật Bản, tư vấn hướng nghiệp 4 đợt với gần 700 lao động tham gia, trong đó 103 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (chỉ tiêu tỉnh giao 80 lao động). Thông qua rà soát biến động hộ nghèo, đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.138 hộ (543 hộ nghèo, 595 hộ cận nghèo) đã giảm 257 hộ nghèo và 416 hộ cận nghèo”.
Thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, thị trấn của huyện Tân Hồng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả khá tích cực. Đặc biệt, ngoài việc phấn đấu vươn lên thoát nghèo, nhận thức của người dân sâu sắc hơn về chủ trương thoát nghèo bền vững; nhiều nơi, người dân tự nguyện mang sổ hộ nghèo đến trao trả lại cho chính quyền địa phương. Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ dân thoát nghèo của xã Tân Công Chí đạt 130% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Vào ngày 27/10/2023, có 2 hộ nghèo là Võ Thanh Minh ngụ ấp Thành Lập và Nguyễn Ngọc Nết ngụ ấp Thống Nhất 1 (xã Tân Công Chí) tự nguyện đến UBND xã Tân Công Chí xin gửi trả lại sổ hộ nghèo sau thời gian được sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương cùng với sự cần cù lao động nên cuộc sống gia đình từng bước vươn lên ổn định, nhất là giảm nghèo bền vững.
Tương tự, ngày 8/11/2023, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng) ký và trao Giấy khen cho ông Trần Văn Thành ngụ tại địa phương, là hộ nghèo nhưng có tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và tự nguyện xin gửi trả lại sổ hộ nghèo. Với tinh thần tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo của nhiều hộ dân trên địa bàn, các xã, thị trấn xem đây là một trong những tấm gương tốt để tuyên truyền, nhân rộng trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, để góp phần cải thiện, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng, từng bước mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi, UBND huyện Tân Hồng phối hợp Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Giảm nghèo gắn với quốc phòng - an ninh” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững thuộc Khu Kinh tế Quốc phòng Tân Hồng để hỗ trợ bò sinh sản, dê sinh sản, lươn giống, gà giống cho gần 200 hộ nghèo, cận nghèo của 8 xã, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.
Hiện tại, ngành chức năng huyện Tân Hồng và các xã, thị trấn tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm cho người lao động; thông tin về thị trường lao động trong, ngoài tỉnh, nhất là tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm, tổ chức dạy nghề, giáo dục định hướng, tư vấn thúc đẩy đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Chú trọng tạo việc làm theo nhu cầu xã hội, gắn cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thị trường lao động. Cùng với đó, khảo sát, rà soát xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, đảm bảo có nhà ở ổn định lâu dài. Đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, phát triển nhà ở cho người nghèo theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.