Hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra tuyến tỉnh. Đồng thời phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tình hình quản lý thực phẩm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, thú y, các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể. Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống website, truyền thanh, trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, điểm bán thức ăn đường phố.
Trong tháng 5/2020, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã tập trung triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP), đã tổ chức 161 đoàn kiểm tra gồm tuyến tỉnh, huyện, xã, tổng thanh, kiểm tra hơn 2.800 cơ sở. Đối với tuyến tỉnh, trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh, kinh doanh nông sản có nguồn gốc thực vật. Qua kiểm tra có 30 cơ sở đạt và 1 cơ sở tạm ngừng hoạt động. Đồng thời kiểm tra trên lĩnh vực giết mổ, thú y, kết quả xử lý 2 vụ vi phạm do Công an tỉnh phát hiện vi phạm và chuyển hồ sơ.
Thực hiện công tác quản lý nhà nước về VSATTP, ngành công thương đã thành lập đoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP. Qua đó, đã kiểm tra 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lập biên bản 15 cơ sở, trong đó có 6 cơ sở vi phạm các lỗi như sản xuất rượu chưa có giấy phép, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn, chưa có phiếu kiểm nghiệm chất lượng nước theo tiêu chuẩn. Qua kiểm tra, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng rà soát, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn quản lý còn thiếu các điều kiện ATTP, hướng dẫn cơ sở khắc phục theo đúng quy định.
Cùng với tuyến tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức các đợt kiểm tra, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 272 trường hợp, trong đó có 250 trường hợp phương tiện vận chuyển thực phẩm, 6 cơ sở sản xuất-kinh doanh thực phẩm, 2 cơ sở giết mổ gia súc, 14 bếp ăn tập thể. Kết quả, phát hiện 8 trường hợp vi phạm, 6 trường hợp vi phạm VSATTP, 2 trường hợp vi phạm vệ sinh thú y; đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, ATTP, chuyển các đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý. Tại các huyện Châu Thành, Cao Lãnh, Hồng Ngự, công tác kiểm tra VSATTP được ngành y tế tập trung thực hiện trong tháng cao điểm. Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT chủ động kiểm tra 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, không có trường hợp vi phạm. Chi cục QLTT phối hợp các ngành kiểm tra cơ sở kinh doanh, sản xuất cà phê, nước uống đóng chai, khô trâu, dịch vụ ăn uống, các cơ sở đều chấp hành, thực hiện đúng theo quy định.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh và các đơn vị trực thuộc kiểm tra, xét nghiệm mẫu, xét nghiệm nhanh các mẫu sản phẩm nông sản, nông lâm, thủy sản, rượu, nước đá. Qua kiểm tra có 29 mẫu đạt. Cùng với công tác kiểm tra, lấy mẫu, Chi cục ATVSTP còn triển khai đảm bảo ATTP tại khu cách ly tập trung trong phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thức ăn, thức uống đường phố tuân thủ các yêu cầu đảm bảo ATTP. Trong tháng 6/2020, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với các đơn vị tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè và mùa bão, lũ trên địa bàn tỉnh. Chủ động phương án xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng ATTP.
Các ngành, Chi cục ATVSTP tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố truyền thông, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm bệnh chết, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng. Phổ biến các quy định bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu (cụm) công nghiệp... Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh. Đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo người dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng; tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn nước sinh hoạt, nước dùng cho ăn uống trên địa bàn...