Hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Đakrông
Thời gian qua, với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Đakrông đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Nhờ vậy, hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp, đa số các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đã tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Đakrông là một trong những huyện có khá nhiều điểm mỏ khoáng sản so với các địa phương khác trong tỉnh. Toàn huyện có 5 điểm mỏ khoáng sản vàng, 4 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép khai thác; có 22 điểm mỏ cát, sỏi phân bố dọc sông Đakrông từ xã A Bung đến Ba Lòng, trong đó UBND tỉnh đã cấp 7 giấy phép cho các tổ chức, doanh nghiệp khai thác tại 10 điểm mỏ. Ngoài ra, tại các khu vực lòng hồ thủy điện trên địa bàn các xã Đakrông, Ba Nang, Tà Long và Húc Nghì đang bồi lắng một lượng lớn cát, sỏi, UBND tỉnh đã cấp phép cho 2 đơn vị tiến hành nạo vét tận thu cát, sỏi tại khu vực lòng hồ thủy điện Đakrông 2, xã Đakrông và khu vực lòng hồ thủy điện Đakrông 3, xã Tà Long; có 1 điểm mỏ sét gạch ngói tại xã Hướng Hiệp chưa được cấp phép thăm dò, khai thác. Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết: “Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện. Chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở các xã cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để Nhân dân hiểu, phối hợp với địa phương trong thực hiện công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không tiếp tay cho các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các hình thức tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và người lao động. Các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản chấp hành nghiêm túc quy định của giấy phép và quy định của pháp luật về khoáng sản trong quá trình hoạt động”.
Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, UBND huyện Đakrông còn chỉ đạo chính quyền các địa phương nơi có khoáng sản tổ chức cho Nhân dân ký cam kết không tham gia và tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản cũng như phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thăm dò, khai thác khoáng sản và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của các địa phương. Qua đó, nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và khoáng sản chưa khai thác. Riêng từ năm 2015 - 2020, chính quyền địa phương nơi có hoạt động khai thác vàng trái phép đã phối hợp với Công an huyện tiến hành 19 lượt truy quét, thu giữ 44 phương tiện, dụng cụ phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và đẩy đuổi 162 đối tượng tham gia khai thác ra khỏi khu vực. Ngoài ra, hằng năm UBND huyện chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các phòng, ban cấp huyện đến cấp xã, các lực lượng đóng quân trên địa bàn trong quá trình tham gia phối hợp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, hoạt động khoáng sản ở huyện Đakrông có nhiều chuyển biến rõ nét. Đến nay không còn tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; cơ chế quản lý hoạt động thăm dò, khai thác ngày càng hoàn thiện, đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản được sử dụng hợp lý, có hiệu quả, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết thêm: “Để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng thu ngân sách cho địa phương, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ khoáng sản, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm”.