Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân vùng ven biển

Những năm qua, các địa phương vùng ven biển trong tỉnh luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức và Nhân dân, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Lực lượng chức năng huyện Hậu Lộc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân.

Hậu Lộc là huyện ven biển nằm về phía Đông Bắc của tỉnh, có bờ biển dài 12,5 km, gồm 6 xã ven biển: Hòa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tăng cường các giải pháp tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, giao Đồn Biên phòng Đa Lộc chủ trì, phối hợp với công an huyện, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cấp huyện và 6 xã ven biển tham mưu tổ chức kiện toàn câu lạc bộ pháp luật, hướng nghiệp cho Nhân dân 6 xã khu vực ven biển, nhằm tích cực phục vụ tốt nhu cầu tư vấn, trợ giúp về pháp luật cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật huyện được rà soát, củng cố, cơ bản bảo đảm về phẩm chất, tiêu chuẩn, chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.

Bên cạnh đó, công an các xã ven biển huyện Hậu Lộc đã phối hợp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương pháp như: tổ chức các hội nghị tập trung cấp xã, các hội nghị cấp thôn, các buổi nói chuyện trong các dòng họ tự quản; tổ chức tuyên truyền, cấp phát tờ rơi... Từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng của huyện đã phối hợp tuyên truyền được 1.185 lượt/6 xã; tổ chức tư vấn, hướng dẫn, giáo dục pháp luật cho 3.150 lượt người. Thượng tá Nguyễn Văn Đại, Phó trưởng Công an huyện Hậu Lộc, cho biết: Qua việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021”, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân các xã ven biển Hậu Lộc đã được nâng lên. Tình hình vi phạm xuất cảnh đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài, mua bán, sử dụng vật liệu nổ đánh bắt hải sản, tội phạm về ma túy giảm rõ rệt. Quần chúng Nhân dân 6 xã ven biển tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thanh Hóa có 102 km chiều dài bờ biển, trải dài trên 6 huyện, thị xã, thành phố. Để giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng ven biển luôn quan tâm chú trọng đẩy mạnh các biện pháp TTPBGDPL cho người dân. Theo đó, hàng năm cùng với việc kiện toàn hội đồng PBGDPL, UBND các địa phương đã triển khai công tác PBGDPL, ban hành kế hoạch tuyên truyền pháp luật và tổ chức triển khai kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật hiện đang công tác tại đảng ủy, HĐND, UBND xã để sẵn sàng giải đáp pháp luật, hướng dẫn, tư vấn áp dụng pháp luật vào cuộc sống; kiện toàn các tổ hòa giải ở thôn, với sự tham gia gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận cùng đại diện các tổ chức đoàn thể Nhân dân. Đây là những người có uy tín, có năng lực ở xã, ở các thôn được trải qua các lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động và đã được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật. Lực lượng hòa giải cơ sở trên tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, góp phần đảm bảo sự bình yên, hạnh phúc trong xóm làng.

Trong đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL được các địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, như: tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị; tuyên truyền lưu động; phát tờ rơi, tờ gấp; qua các buổi sinh hoạt, hội họp, qua hoạt động của các mô hình câu lạc bộ trong chương trình phối hợp với các ngành, đoàn thể tại các khu vực bến bãi, nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân; TTPBGDPL thông qua hoạt động của các tổ, đội tuyên truyền văn hóa, xây dựng các tiết mục văn nghệ sân khấu hóa để lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hoặc qua hệ thống truyền thanh các xã, phường để TTPBGDPL đến cán bộ và Nhân dân khu vực vùng ven biển. Cùng với việc đa dạng hóa các hình thức TTPBGDPL, các địa phương đã xây dựng các tủ sách pháp luật nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập và tìm hiểu pháp luật của Nhân dân trên địa bàn; xây dựng các túi sách pháp luật lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền cho ngư dân khi sản xuất trên biển và khu vực nuôi trồng thủy sản.

Với nhiều biện pháp thiết thực, cùng với sự quan tâm thực hiện công tác TTPBGDPL ở các địa phương vùng ven biển đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc, các tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân; tăng cường đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật; duy trì, củng cố sự đoàn kết trong Nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/hieu-qua-cong-tac-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cho-nhan-dan-vung-ven-bien/160266.htm