Hiệu quả của các tổ, nhóm bảo vệ rừng ở Bát Xát

Thời gian qua, các tổ, nhóm bảo vệ rừng ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Bát Xát đã hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giữ màu xanh đại ngàn. Công việc của những thành viên trong nhóm bảo vệ rừng ở các thôn, bản được người dân gọi với cái tên gần gũi 'tuần rừng'.

Lực lượng kiểm lâm huyện Bát Xát phối hợp với tổ, nhóm tại các thôn, bản tuần tra rừng.

Lực lượng kiểm lâm huyện Bát Xát phối hợp với tổ, nhóm tại các thôn, bản tuần tra rừng.

Cơn mưa rào mùa hạ kéo dài từ đêm hôm trước tới tận sáng hôm sau khiến những lối mòn dẫn vào khu rừng già của xã Trung Lèng Hồ (Bát Xát) trở nên lầy lội, trơn trượt. Khó khăn là thế nhưng theo kế hoạch thì hôm nay, anh Thào A Sinh (thôn Pờ Hồ Thấp, xã Trung Lèng Hồ) cùng “đồng đội” vào rừng tuần tra.

Mỗi lần đi tuần rừng, nhóm của anh Sinh phải chuẩn bị hành lý từ chiều hôm trước với đầy đủ tư trang, thiết bị quan trọng như túi ngủ, ủng chân, quần, áo, mũ, đèn pin, định vị, điện thoại… Đặc biệt, lượng lương thực, thực phẩm thiết yếu như mỳ tôm, mắm, muối, gạo, cá khô, thuốc… phải đủ cho cả tổ dùng ít nhất trong 3 ngày. Anh Thào A Sinh cho biết: Trung Lèng Hồ là xã có diện tích rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát rất rộng, ước tính 9.000 ha. Vì thế, nhóm chúng tôi mỗi lần đi tuần rừng đều mất 3 - 4 ngày. Đi tuần rừng không chỉ quan sát cây bị chặt mà còn phải để ý có chiếc bẫy nào không, nếu thấy thì phải phá hủy để đảm bảo an toàn cho các loài động vật sống trong rừng. Những ngày trời mưa khiến việc đi tuần rừng gặp khó khăn, nguy hiểm nhưng chúng tôi luôn thấy vui, phấn khởi bởi mỗi bước chân của mình đã đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ rừng.

Cũng như anh Thào A Sinh, anh Sùng A Su (thôn Pờ Hồ Cao, xã Trung Lèng Hồ) năm nay ngoài 30 tuổi nhưng đã có gần chục năm gắn bó với những cánh rừng già ở vùng thượng huyện Bát Xát. Anh Su là nhóm trưởng nên công việc vất vả và trách nhiệm hơn so với những đồng nghiệp. Trước khi nhóm lên đường đi tuần rừng, anh thường hỏi han sức khỏe của từng thành viên, nếu không đảm bảo thì sẽ cho ở nhà nghỉ ngơi và đi bù vào ngày khác. Mỗi lần đi tuần rừng, nhóm của anh Su thường có 3 - 5 người và mỗi người đi tuần 8 - 12 ngày trong tháng. Anh Su tâm sự: Được người dân trong thôn và lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát tin tưởng phân công nhiệm vụ trưởng nhóm tuần tra rừng khiến tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với trách nhiệm của mình với anh em trong tổ, với từng cây rừng cũng nặng nề hơn. Công việc tuần rừng vất vả vì thường xuyên phải ăn, ngủ, nghỉ trong rừng, nhưng đi nhiều thành quen. Cái khó nhất với những người tuần rừng là có được kỹ năng kịp thời phát hiện khu rừng bị xâm hại để báo cáo với lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng.

Nhờ có lực lượng tuần rừng như anh Sinh và anh Su mà diện tích rừng nguyên sinh ở Bát Xát những năm qua được bảo vệ nghiêm ngặt. Theo thống kê của ngành kiểm lâm huyện Bát Xát, trong năm 2019, các tổ tuần rừng ở thôn, bản đã phát hiện hàng chục vụ xâm hại rừng. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là những vụ xâm hại rừng ở mức độ nhẹ: tự ý vào rừng lấy củi, hái măng; chặt cây khô để lấy củi sấy thảo quả… Những vụ việc xâm hại rừng đã được tổ tuần rừng kịp thời phát hiện và báo cơ quan chức năng xử lý. Có thể kể đến vụ việc cuối năm 2019, ông Hạng A. K. (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) chặt 1 cây gỗ khô đường kính 10 cm, dài 6 m để sấy thảo quả trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Ngay lập tức, Tổ công tác bảo vệ rừng thôn Kin Chu Phìn (xã Nậm Pung, huyện Bát Xát) phát hiện và báo cáo chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm lập biên bản, xử phạt hành chính. Ông K. cũng phải viết cam kết không tiếp tục vi phạm quy định về bảo vệ rừng.

Trên địa bàn huyện Bát Xát có 60.000 ha rừng, trong đó gần 6.000 ha rừng trồng và khoảng 15.300 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Các xã có diện tích rừng lớn gồm: Trung Lèng Hồ, Sàng Ma Sáo, Y Tý, Nậm Pung… Huyện hiện có 39 tổ, nhóm bảo vệ rừng với hơn 200 thành viên.

Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Các tổ, nhóm tuần rừng ở các thôn, bản hoạt động trên cơ sở kế hoạch do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát xây dựng. Các thành viên đều phải thực hiện nghiêm theo kế hoạch và hướng dẫn của cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Vào cuối năm, các tổ, nhóm sẽ tổ chức họp để kiểm tra, đánh giá và bình xét. Nếu ai không đủ 70% số ngày công tuần rừng theo quy định sẽ được thay thế.

Được biết, mỗi ngày công của người đi tuần rừng là 250 nghìn đồng. Như vậy, 1 người đi khoảng 8 - 10 ngày sẽ nhận được 2 - 2,5 triệu đồng mỗi tháng. “Đây là số tiền không nhỏ với mỗi người tham gia tuần rừng, chính vì vậy họ luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, để kiểm tra, theo dõi việc đi tuần rừng của các thành viên, chúng tôi thường xuyên có những buổi kiểm tra đột xuất” - ông Trung cho biết thêm.

Những tổ, nhóm bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả công tác. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát sẽ tiếp tục duy trì và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho các thành viên. Giờ đây, mỗi thành viên trong tổ, nhóm bảo vệ rừng là cánh tay nối dài đắc lực, hiệu quả cho lực lượng chức năng huyện Bát Xát trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Tất đạt

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phap-luat/hieu-qua-cua-cac-to-nhom-bao-ve-rung-o-bat-xat-z7n20200802083049567.htm