Hiệu quả của mô hình dạy nghề gắn với lao động trị liệu
Được triển khai từ đầu năm 2019, đến nay mô hình dạy nghề gắn với lao động trị liệu cho các học viên cai nghiện ma túy và bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp 1 đã mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua mô hình ý nghĩa này, bệnh nhân tâm thần và đặc biệt là học viên cai nghiện không chỉ được điều trị bệnh mà còn được đào tạo nghề, tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe và phát triển các kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng.
Trước đây, anh T.T.C. (sinh năm 1982), quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh vốn là một công nhân siêng năng, chăm chỉ làm việc. Thế rồi một phần do hôn nhân đổ vỡ, một phần do bạn bè rủ rê lôi kéo sử dụng ma túy, anh sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay. Đầu năm 2021, sau khi bị bắt, anh C. được đưa đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp 1 để thực hiện cai nghiện bắt buộc. Tại đây, anh được các cán bộ, viên chức của trung tâm hỗ trợ cai nghiện, cắt cơn, giải độc, chăm sóc tận tình, lại còn được đào tạo nhiều nghề như đan lát bàn ghế, đúc chậu...
Điều đó làm cuộc sống của anh trở nên ý nghĩa hơn. Anh C. tâm sự: “Chỉ vì ham vui, muốn quên đi những chuyện buồn phiền trong cuộc sống mà tôi đã lầm đường lạc lối, suýt chút nữa là mất hết tất cả vì ma túy. Nhưng nhờ có sự giáo dục và hỗ trợ của các thầy cô tại trung tâm, tôi đã hiểu ra nhiều điều và mong muốn được làm lại cuộc đời”. Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm đan lát mới hoàn thiện của mình, anh C. không giấu được niềm vui trên khuôn mặt. Anh nói: “Nhờ tập trung thời gian làm việc, tôi quên đi cảm giác thèm thuốc và thấy sức khỏe của mình ngày càng ổn định hơn. Sau khi ra khỏi đây, tôi sẽ sử dụng nghề đã được học tại trung tâm để kiếm tiền, làm ăn lương thiện”.
Cũng giống như anh C., anh T.T.T. (sinh năm 1986), quê ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, phải thực hiện cai nghiện bắt buộc sau khi bị gia đình phát hiện thường xuyên sử dụng ma túy và các chất kích thích khác. Anh cho hay, ban đầu chỉ muốn thử một lần cho biết cảm giác vì thấy bạn bè “quảng cáo phê lắm”, rồi sau đó trở thành con nghiện từ lúc nào không hay. Khoảng thời gian đầu khi mới đến trung tâm, anh T. phải trải qua những cơn vật vã vì “đói” thuốc. Nhưng sau đó nhờ sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ, nhân viên, thậm chí là một số học viên khác, anh đã tỉnh táo trở lại và thực hiện rất tốt quá trình cai nghiện của mình. “Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, tôi sẽ sử dụng những nghề mình học được để nỗ lực làm việc, tránh xa bạn xấu, quyết tâm làm lại cuộc đời, cố gắng kiếm tiền phụ giúp gia đình, sống có ích cho xã hội”, anh T. trải lòng.
Được biết, thời gian qua, rất nhiều lượt học viên cai nghiện và các bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp 1 đã được học tập và điều trị thông qua mô hình dạy nghề gắn với lao động trị liệu. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp 1 Nguyễn Minh Sơn cho biết, trung tâm hiện có 81 bệnh nhân tâm thần, trong đó có 10 bệnh nhân nữ và tổ chức cai nghiện cho 74 lượt học viên cai nghiện ma túy bắt buộc.
Việc triển khai mô hình kết hợp nói trên không chỉ hỗ trợ tích cực cho học viên và bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh, cắt cơn nghiện mà còn dạy nghề, giúp họ có cơ hội tìm việc hoặc tự tạo việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Để thực hiện tốt việc dạy nghề, trung bình mỗi năm, trung tâm sẽ kết hợp với các tổ chức, đơn vị mở 3 - 4 lớp đào tạo nghề. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của COVID - 19 nên trung tâm mới chỉ khai giảng được hai lớp đào tạo các nghề thủ công như đan lát bàn ghế bằng sợi nhựa tổng hợp, làm hoa nhựa, hoa giấy...
“Việc kết hợp giữa lao động trị liệu và dạy nghề cho bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là học viên cai nghiện đạt kết quả rất khả quan vì trên thực tế, lao động trị liệu được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc trong quy trình cai nghiện. Không những thế, việc kết hợp này còn giúp cho các đối tượng rèn luyện tính kỷ luật, kiên nhẫn và phục hồi sức khỏe, từ đó thay đổi hành vi, có suy nghĩ tích cực hơn. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và khả năng của các đối tượng nói trên, chúng tôi đã lựa chọn ra những công việc phù hợp để tiến hành đào tạo”, anh Sơn cho biết.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, cán bộ của trung tâm chia sẻ với chúng tôi, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mà mỗi sản phẩm của các bệnh nhân tâm thần và học viên cai nghiện làm ra mất từ khoảng 3 - 5 ngày. Dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của họ, các sản phẩm mỹ nghệ, chổi, hoa nhựa... đều tương đối tinh tế, sắc sảo nên được người tiêu dùng khá ưa chuộng. Như các sản phẩm hoa nhựa, hoa giấy do các học viên và bệnh nhân tâm thần làm ra gần đây nhất có giá bán giao động từ 150 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đã được nhiều người yêu thích và đặt hàng. Hiện, trung tâm cũng đã chủ động trong việc tiếp cận các doanh nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp và thu nhập thêm cho các học viên.
Ông Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm: “Những nghề được đào tạo sát với yêu cầu thực tế sẽ giúp học viên và bệnh nhân sau khi trở về địa phương có cơ hội tìm được việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Trung tâm cũng đang tăng cường xây dựng kế hoạch tư vấn, giáo dục học viên để giúp họ sớm làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua việc đào tạo nghề, truyền nghề, chúng tôi mong muốn giúp những đối tượng lầm đường, lạc lối có cơ hội tìm việc, hoặc tự tạo việc làm. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất, tiếp thêm niềm tin cho học viên, xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và phòng chống tái nghiện hiệu quả”.