Hiệu quả của một hệ thống phụ thuộc vào cách vận hành của nó
Cách đây không lâu, tôi có viếng thăm Orissa, một vùng ở Đông Ấn Độ. Tình trạng nghèo nàn ở miền này, đặc biệt là của những người dân thuộc các bộ lạc, gần đây đã dẫn đến xung đột và nổi dậy.
Tôi đã gặp gỡ một thành viên nghị viện của vùng này và cùng nhau thảo luận các vấn đề ấy. Từ ông ta, tôi biết được rằng chính phủ đã có các cơ chế luật pháp và dự án nhắm đến việc bảo vệ quyền của các người dân bộ lạc và thậm chí là trợ giúp về mặt vật chất cho họ.
Ông ta nói rằng vấn đề là do tham nhũng, các chương trình này không đem đến lợi ích cho những người mà chính phủ muốn giúp đỡ. Khi các dự án bị rút ruột bởi sự gian dối, kém cỏi, và vô trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm thi hành, thì chúng trở nên vô giá trị.
Thí dụ này cho thấy rất rõ rằng, hiệu quả của một hệ thống dù tốt cũng phụ thuộc vào cách vận hành hệ thống đó. Rốt cuộc thì bất kỳ hệ thống nào, bất kỳ bộ luật hay trình tự nào, cũng chỉ phát huy hiệu quả khi những cá nhân thực hiện nó có tinh thần trách nhiệm.
Nếu do sự thiếu trung thực của cá nhân, hệ thống ấy bị lạm dụng, thì nó có thể dễ dàng trở thành một tác nhân gây hại thay vì là một nguồn lợi. Đây là một sự thật mang tính phổ quát, áp dụng cho mọi ngành hoạt động của con người, ngay cả tôn giáo.
Mặc dù tôn giáo có tiềm năng giúp đỡ con người sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc, nhưng khi bị lạm dụng, nó có thể trở thành một nguồn gốc gây xung đột và chia rẽ. Tương tự như thế, trong lĩnh vực thương mại và tài chính, hệ thống tự nó có thể tốt, nhưng nếu những người điều hành thiếu lương tâm, và bị thúc đẩy bởi lòng tham lam, ích kỷ, thì những lợi ích của hệ thống ấy bị triệt tiêu.
Dalai Lama
(trích Beyond Religion: Ethics for a Whole World, tựa của GN)