Hiệu quả của một mô hình sản xuất dầu lạc
'Từ kinh doanh ngành nghề cơ khí, sản xuất các loại cửa kính quy mô nhỏ, năm 2018 tôi chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực chế biến nông sản với mô hình sản xuất dầu lạc. Đến nay sau hơn 3 năm thực hiện, cơ sở của tôi đã đi vào hoạt động ổn định và đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã xây dựng nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình với tên gọi 'Dầu lạc Làng An' và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020', đó là những chia sẻ của anh Lê Thanh Biên, chủ cơ sở sản xuất dầu lạc Làng An tại thôn An Cổ, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh.
Vùng An Cổ, xã Kim Thạch được thiên nhiên ưu đãi với diện tích đất đỏ ba dan màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó cây lạc được người dân ưu tiên lựa chọn để đưa vào canh tác. Hạt lạc ở đây sau khi thu hoạch luôn có chất lượng cao, hạt mẩy, căng tròn, tỉ lệ dầu nhiều và chất lượng dầu cũng rất đảm bảo. Tuy nhiên, những năm trước vì trên địa bàn chưa có cơ sở chế biến nên người dân chủ yếu trồng và bán dưới dạng sản phẩm thô cho các thương lái dẫn đến giá trị thấp.
Nhận thấy nhu cầu của người dân về sản xuất và sử dụng các sản phẩm nông sản sạch ngày càng cao, cùng với mong muốn tạo nên giá trị mới cho hàng nông sản của quê hương, năm 2018 được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Sở Công thương Quảng Trị, anh Lê Thanh Biên mạnh dạn đầu tư gần 1 tỉ đồng để xây dựng cơ sở ép dầu lạc với năng suất 30 lít/giờ.
Để có được sản phẩm dầu lạc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, bên cạnh việc đầu tư các loại máy móc thiết bị hiện đại, anh Biên đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguyên liệu ngay từ đầu vào. Do đó, anh đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Hội Nông dân xã cùng các hộ gia đình trồng lạc lựa chọn những diện tích đất màu mỡ và giống lạc phù hợp cho năng suất cao với tỉ lệ dầu nhiều để đưa vào sản xuất.
Đồng thời tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu cho người dân với giá cao hơn thương lái thu mua từ 1 - 2 giá với điều kiện không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ trong quá trình sản xuất. Mặt khác, đối với các hộ gặp khó khăn về điều kiện sản xuất, cơ sở chế biến của anh Biên cũng sẽ hỗ trợ về hạt giống, phân bón và kỹ thuật để người dân yên tâm sản xuất theo hợp đồng.
Đến vụ thu hoạch, cơ sở chế biến hỗ trợ nhân công xuống đồng phụ hái và thu mua sản phẩm sau đó đưa về cơ sở để tiến hành các công đoạn tiếp theo. Quá trình chế biến dầu lạc được thực hiện qua nhiều quy trình, công đoạn theo tiêu chuẩn an toàn. Cụ thể, lạc sau khi thu hoạch được đưa đi phơi khô rồi bóc vỏ và tiến hành phân loại để lựa chọn những hạt đủ tiêu chuẩn, loại bỏ những hạt nhỏ, lép, da nhăn nheo. Lạc đã phân loại tiếp tục đưa vào máy ép trục vít để ép lấy dầu, sau đó tiến hành lọc dầu bằng hệ thống lọc nén khí.
Sản phẩm cho ra bao gồm dầu thô và bã thô. Phần bã thô được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi; còn phần dầu thô tiếp tục được lọc một lần nữa để loại bỏ bã cặn và cho ra phần dầu nguyên chất. Phần dầu thành phẩm này sẽ được đem đi đóng gói và bảo quản trong kho để xuất ra thị trường. Để đảm bảo cho các công đoạn sản xuất, ngoài việc tự mình đứng máy, anh Biên còn thuê thêm 5 nhân công làm việc thường xuyên tại cơ sở chế biến.
Trung bình mỗi năm cơ sở chế biến của anh Biên sản xuất được 9.000 lít dầu lạc thành phẩm và 4,5 tấn phụ phẩm từ quá trình sản xuất. Giá bán một lít dầu lạc thành phẩm giao động từ 110.000 -120.000 đồng/ lít và 5.000 đồng cho 1 kg phụ phẩm. Qua đó đã đem lại nguồn thu trên 1 tỉ đồng mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí cho lãi ròng từ 100 - 110 triệu đồng. Ngoài ra, để tận dụng trang thiết bị và tăng thêm thu nhập, anh Biên còn mở rộng thêm chế biến dầu mè, đậu nành nguyên chất…
Với chất lượng đảm bảo, hiện nay dầu lạc Làng An đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và đã có mặt ở nhiều đại lý, kênh bán hàng trong và ngoài tỉnh như: Đại lý Thanh Tâm tại Đại Áng, Đông Hà, nhà phân phối Quỳnh Anh- Hải Lăng, cửa hàng Bé Triệu, Tâm Nhiên tại thị trấn Hồ Xá và Cửa Tùng; Cửa hàng Giang SơnThành phố Hồ Chí Minh, nhà phân phối Hải Lệ- Phú Quốc, Kiên Giang; nhà phân phối Nguyễn Oanh- Thanh Hóa, hay bán hàng trực tuyến trên trang Đặc sản Làng An, Dầu lạc nguyên chất Làng An, kênh Shopee…
Chia sẻ những dự định trong thời gian tới, anh Biên cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện dây chuyền sản xuất, bổ sung hệ thống chiết rót tự động để đảm bảo về trang thiết bị. Liên kết với các đơn vị, ban, ngành xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo chuẩn VietGap với quy mô lớn. Đồng thời tiến tới xây dựng mẫu mã độc quyền cơ sở, mở rộng thị trường và phát triển quy mô cơ sở chế biến lên thành công ty TNHH.