Hiệu quả của việc phân tầng điều trị sốt xuất huyết ở TPHCM
Tính tới thời điểm hiện tại, số ca mắc mới của sốt xuất huyết tại TPHCM đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, BS.CKII Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vừa qua, Sở Y tế TPHCM đã có chỉ đạo phân tầng điều trị sốt xuất huyết. Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong đó, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố bao gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là bệnh viện tuyến cuối để thu dung điều trị bệnh này.
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, việc phân tầng nói trên giúp phân rõ nhiệm vụ của từng tầng. Mỗi tầng sẽ có chức năng và giới hạn riêng trong theo dõi và điều trị. Khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ tiếp nhận những ca nặng. Đây là những ca ở tuyến dưới chuyển lên.
"Nhờ việc phân tầng điều trị hợp lý, chúng tôi tập trung nguồn lực vào điều trị cho các trường hợp nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân thành công cao hơn", bác sĩ Việt nói.
Cũng theo Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, hiệu quả của việc phân tầng sốt xuất huyết rất rõ. Đối với những trường hợp nhẹ thì các đơn vị tuyến dưới có thể tiếp nhận và điều trị được, khi nào vượt quá khả năng thì họ sẽ chuyển lên tuyến trên. Như vậy, đơn vị tuyến cuối sẽ được giảm tải. Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM luôn có sự kết nối với các bệnh viện trong khu vực và các tỉnh thành lân cận, sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn cho các tuyến trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, các bác sĩ tích cực hỗ trợ hội chẩn qua điện thoại, qua Telemedicine (tư vấn, khám chữa bệnh và phẫu thuật từ xa).
Bác sĩ Đỗ Châu Việt chia sẻ, mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã cử một ê-kip gồm cả bác sĩ và điều dưỡng từ TPHCM bay ra Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định hỗ trợ một ca sốt xuất huyết nặng. Đó là bệnh nhi 4 tuổi, vào sốc nặng, suy đa tạng, phải lọc máu. Với sự hỗ trợ của ê-kip, sau khi lọc máu, thay huyết tương, hơn hai tuần sau, bệnh nhân đã được cứu sống và xuất viện trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm đến đầu tháng 8/2023, TPHCM ghi nhận 9.790 ca mắc sốt xuất huyết (giảm so cùng kỳ năm 2022), không ghi nhận trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 12 trường hợp).
Sở Y tế TPHCM cho biết, quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm tại TPHCM, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng và sẽ tăng cao trong tháng 8, dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm. Theo đó các ngành chức năng của thành phố đã quyết liệt xử lý ổ dịch và ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan trong dân cư.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiển soát bệnh tật triển khai tập huấn ngay cho các cơ sở y tế. Nhân viên y tế được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị...
Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết. Mỗi người dân cần hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân. Phòng sốt xuất huyết bắt đầu từ những hành động nhỏ ngay từ trong gia đình.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết.
Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.