Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hải Lăng

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Hải Lăng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, góp phần thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 Mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: T.Q

Mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: T.Q

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua UBND xã Hải Chánh đã phối hợp với các đơn vị mở gần 20 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho hơn 600 lao động nông thôn (LĐNT). Tập trung chủ yếu vào các nghề trồng hoa, rau sạch; chăn nuôi gia súc, gia cầm; cắt may công nghiệp; sửa chữa máy móc nông nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến món ăn; làm chổi đót, mây tre đan; nghề làm bánh lọc, làm mứt gừng… Qua khảo sát, cho thấy số LĐNT được học nghề tìm được việc làm tại chỗ đạt trên 72%. Đặc biệt, số lao động sau khi học nghề có việc làm, có thu nhập khá trở lên đạt hơn 450 người, góp phần giảm số hộ nghèo ở xã còn khoảng 3% .

Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, hằng năm, UBND xã chỉ đạo các thôn tổng hợp nhu cầu cần được đào tạo nghề của người dân. Trên cơ sở này đề xuất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ -TB&XH) huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp theo đúng nguyện vọng “Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, nhờ phối hợp làm tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT nên địa phương đã giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho người dân”, ông Sinh khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hải Định Lê Ngọc Trình cho biết, từ năm 2015 đến nay, xã Hải Định đã phối hợp với các đơn vị chức năng mở gần 25 lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Tập trung chủ yếu vào các nghề phù hợp với nông dân như trồng lúa thâm canh, trồng ném, trồng rau sạch, làm nấm sò; chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến món ăn… Thông qua các lớp đào tạo nghề, người lao động biết ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, có thể tạo việc làm tại chỗ hoặc có cơ hội được nhận vào làm việc ổn định tại các cơ sở sản xuất tại địa phương, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Xác định công tác đào tạo nghề cho LĐNT có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hằng năm, Phòng LĐ - TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện và các địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; thống kê nhu cầu lao động có tay nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế. Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hải Lăng Phan Kế Quỳnh cho biết: “Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT có chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người dân, đơn vị phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTT tổ chức các lớp đào tạo nghề lưu động, giảng dạy ngay tại địa phương cho người dân. Liên kết, phối hợp với các trường nghề, các cơ quan chức năng đào tạo các lớp nghề. Nhờ vậy, sau khi kết thúc các lớp học, các học viên nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, áp dụng vào các mô hình của gia đình, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả kinh tế”. Ông Quỳnh dẫn chứng, với nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ném, sau thời gian đào tạo, các học viên đã nắm vững những kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thực hành trực tiếp trên diện tích đất canh tác của gia đình nên mang lại hiệu quả cao. Từ kết quả này, UBND xã Hải Dương đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất lên đến trên 57 ha, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của Nhân dân. Hay với nghề kỹ thuật nuôi gà thả vườn, sau khóa học, nhiều học viên đã đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn gà lên từ 600 - 800 con/lứa/ hộ. Trừ chi phí mang lại thu nhập bình quân mỗi hộ từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Đối với nghề phi nông nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn, trong giai đoạn 2010 - 2020, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho gần 1.200 lao động. Sau khi hoàn thành khóa học, 100% học viên được nhận vào làm việc ở tại các nhà máy.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Hải Lăng đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 3.400 lao động. Phấn đấu, đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo tại huyện đạt 65 - 70%. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Phan Kế Quỳnh, huyện Hải Lăng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu lao động trong triển khai đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đào tạo, đặc biệt là giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=154355