Hiệu quả Đề án Bác sĩ gia đình và mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại thành phố Hà Giang

Tháng 5.2017, UBND tỉnh đã ban hành Đề án 'Bác sĩ gia đình (BSGĐ) và mô hình phòng khám BSGĐ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020'. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện trên, Đề án đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách toàn diện, liên tục.

Trạm Y tế xã Phương Độ được trang bị máy siêu âm 2D phục vụ hiệu quả công tác khám bệnh.

Trạm Y tế xã Phương Độ được trang bị máy siêu âm 2D phục vụ hiệu quả công tác khám bệnh.

Có mặt tại Trạm Y tế xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc rất khẩn trương, bài bản và sự tận tình của từng y, bác sĩ. Nhờ việc lập hồ sơ sức khỏe, chỉ cần một thao tác nhỏ là nhập mã cá nhân thì các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ BHYT, tiền sử bệnh của cả gia đình người bệnh sẽ được bác sỹ biết, xác định diễn tiến bệnh lý và đưa ra phương pháp điều trị nhanh chóng. Từ mã cá nhân này, mỗi cá nhân còn có thể xem thông tin về sức khỏe của mình, nắm bắt lịch khám, điều trị bệnh hiệu quả. Xã Phương Độ có 10 thôn, tổ dân phố với trên 4.200 khẩu. Hiện nay, trên địa bàn đã có trên 3.500 người được khám sàng lọc và lập hồ sơ quản lý sức khỏe; số người được siêu âm, nội soi tai-mũi-họng, xét nghiệm nước tiểu chiếm trên 50%; gần 1.000 người được phát thuốc miễn phí hàng năm.

Bác sĩ Trần Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Độ chia sẻ: “Thụ hưởng từ Đề án, Trạm Y tế xã đã được trang bị máy siêu âm 2D, máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, mát tets đường huyết, máy khí dung, bộ ngũ quan,… với tổng giá trị trên 200 triệu đồng. Với việc được đầu tư các vật tư y tế mới, hiện đại đã góp phần tích cực trong chẩn đoán và điều trị bệnh ngay tại cơ sở y tế ban đầu, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người bệnh”. Đồng thời, khi triển khai Đề án BSGĐ, ngoài vai trò khám lâm sàng, y tế dự phòng thì các y, bác sĩ còn có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân kiến thức để tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và hỗ trợ về tâm lý. Do đó, đặt ra yêu cầu mỗi cá nhân phải nâng cao trách nhiệm tự trau dồi kiến thức xã hội để phục vụ tốt hơn cho công việc. Để làm nền tảng cho Trạm Y tế hoạt động theo nguyên lý BSGĐ, toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược sĩ của Trạm đều được bồi dưỡng, có chứng chỉ đào tạo liên tục theo nguyên lý BSGĐ và các chứng chỉ có liên quan. Duy trì hoạt động quản lý bệnh nhân mạn tính, cấp phát thuốc hàng tháng và triển khai đa dạng các dịch vụ kỹ thuật.

Tích cực triển khai Đề án BSGĐ và mô hình Phòng khám BSGĐ tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Giang đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn đã lập được 14.663 hồ sơ quản lý sức khỏe theo nguyên lý BSGĐ. Với việc đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân, các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường,... được kiểm soát tốt. So sánh với trước đây, tình trạng vượt tuyến đến các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh để khám, chữa bệnh, kể cả những bệnh thông thường có chiều hướng giảm. Mặt khác, Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang còn thực hiện việc luân chuyển cán bộ để hỗ trợ các trạm y tế xã, phường trong công tác quản lý, điều trị tại trạm. Trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh ban đầu và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cơ bản đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn.

Đồng chí Đinh Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang cho biết, trong thời gian tới ngành Y tế thành phố tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả từ Đề án BSGĐ và mô hình Phòng khám BSGĐ dựa trên nền tảng hoạt động của y tế xã. Tăng cường đào tạo và cập nhật kiến thức về BSGĐ và nguyên lý y học gia đình cho đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về Đề án BSGĐ và trạm y tế hoạt động theo nguyên lý BSGĐ…

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202003/hieu-qua-de-an-bac-si-gia-dinh-va-mo-hinh-phong-kham-bac-si-gia-dinh-tai-thanh-pho-ha-giang-756335/