Hiệu quả, đồng bộ và có chiều sâu
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Đề án Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền (Đề án 1219) do Bộ Quốc phòng vừa tổ chức, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, đây là đề án quy mô lớn, triển khai từ 2025 đến 2030 với sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành.
Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền quốc phòng ở vùng biên giới.
Cụ thể hóa chiến lược lớn của Đảng và Chính phủ
Trung tướng Trương Thiên Tô nhấn mạnh, Đề án 1219 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 18/10/2024, là đề án duy nhất từ trước đến nay Chính phủ triển khai để hỗ trợ cho các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, lực lượng từ Trung ương đến địa phương thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc; là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và Quyết định số 1657/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án nhấn mạnh vai trò chiến lược của công tác thông tin, tuyên truyền như một bộ phận cấu thành quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển bền vững các vùng biên giới.
Đối tượng chính của Đề án hướng vào việc hỗ trợ các cơ quan, đơn vị quân đội, công an và lực lượng liên quan trực tiếp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh địa bàn biên giới đất liền.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thảo Mộc
Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và toàn dân trong thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, dân tộc, chính sách dân tộc; trọng tâm là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nêu rõ, thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết; cần tiến hành thường xuyên và kết hợp chặt chẽ trong chỉnh thể thống nhất...
Bên cạnh đó, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, hiệu quả, sát tình hình thực tế, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng, nòng cốt là các đơn vị quân đội, công an đóng quân, làm nhiệm vụ tại các tỉnh địa bàn biên giới đất liền, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ thông tin, tuyên truyền.
Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong hỗ trợ thông tin, tuyên truyền; bảo đảm gắn kết, đồng bộ, thống nhất với các đề án, chương trình có liên quan.
Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống
Nhằm triển khai hiệu quả Đề án 1219, theo các đại biểu, cần tổ chức các lớp, đợt tập huấn cho cán bộ thông tin, tuyên truyền viên ở 3 cấp: toàn quân, quân khu và cấp tỉnh; bảo đảm bài bản, sát với đối tượng và tình hình địa phương; lưu ý với các địa phương đang sắp xếp lại bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Song song với đó, tiến hành rà soát, đánh giá các mô hình, cách làm hiệu quả hiện có; như "Con nuôi Đồn Biên phòng", "Nâng bước em đến trường", tổ tuyên truyền miệng, đội văn nghệ, nhóm báo cáo viên, hệ thống loa truyền thanh cơ sở… để có kế hoạch duy trì, nhân rộng và tránh lãng phí.
Tại Hội nghị, Trung tướng Trương Thiên Tô nhấn mạnh, đối với các cơ quan, đơn vị được Bộ giao kinh phí bổ sung các trang bị, phương tiện phục vụ thông tin, tuyên truyền, cần phát huy tính hiệu quả trong thực tế, tổ chức phân cấp cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực sự cần thiết, phải ưu tiên. Đồng thời, lồng ghép với việc bổ sung các trang bị, phương tiện hiện có trong biên chế và các nguồn lực bố trí hàng năm.
Đối với các cơ quan, đơn vị không được giao kinh phí hỗ trợ trang bị, phương tiện trong Đề án, phải tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các trang bị, phương tiện hiện có; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại đơn vị để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, bổ sung phục vụ nhiệm vụ.
Mặt khác, Cục Tuyên huấn cần tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá tại thực địa để kịp thời nắm bắt tình hình, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án sát thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương để triển khai sâu rộng tại 3 khu vực: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên - miền Trung và Nam Bộ.
Trung tướng Trương Thiên Tô khẳng định, Đề án 1219 là một trong những đề án có độ bao phủ rộng lớn, nguồn lực đầu tư lớn, thời gian triển khai dài, yêu cầu cao về sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm, không làm hình thức mà phải tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ và có chiều sâu, để Đề án thực sự đi vào đời sống.
Đề án "Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền" (Đề án 1219) được chia làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 (2025 - 2027), Giai đoạn 2 (2028 - 2030), với các nhóm nhiệm vụ cơ bản. Cụ thể: hỗ trợ biên soạn, xuất bản tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng; duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình tuyên truyền tại cơ sở; trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng tuyên truyền viên.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hieu-qua-dong-bo-va-co-chieu-sau-10380038.html