Bão Wipha liên tục mạnh thêm, khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta
Dự báo từ nay đến 21/7, bão Wipha liên tục mạnh thêm, cường độ có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 15 và khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta.
Lúc 7h ngày 18/7, bão Wipha trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Cường độ bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Theo cơ quan khí tượng, dự báo trong 24 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h. Khoảng tối mai (19/7), bão Wipha đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025.
Đáng chú ý, sau khi vào Biển Đông, bão Wipha có thể tiếp tục mạnh lên, đạt cường độ cấp 11-12 và khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam vào khoảng 22/7.
Ngày 21-23/7, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện mưa to đến rất to.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão Wipha. (Nguồn: NCHMF)
Từ tháng 5 đến nay, Bắc Bộ có gần 40 ngày mưa diện rộng chia làm 9 đợt, trong đó đợt ngắn nhất chỉ xảy ra trong 1 ngày, đợt dài trong suốt cả tuần.
Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ cũng có 9 đợt mưa rào và dông diện rộng. Đặc biệt, trong các ngày 10-13/6, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, khu vực từ phía nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi ghi nhận mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 250-500mm, một số nơi vượt ngưỡng 600mm.
Trong thời kỳ này, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ xảy ra nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to diện rộng.
Ngoài ra, theo dự báo của cơ quan khí tượng, hiện tượng ENSO tiếp tục trong điều kiện trung tính. Từ tháng 8 đến tháng 10/2025, ENSO khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất 70-90%.
Từ nay đến tháng 10, bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có thể ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (trên Biển Đông: 6,8 cơn, đổ bộ vào đất liền: 2,8 cơn).
Cũng trong 3 tháng này, các đợt mưa vừa, mưa to nguy cơ xuất hiện ở các khu vực trên cả nước. Trong đó, mưa tập trung ở Bắc Bộ trong tháng 8, 9 và Trung Bộ tháng 9, 10.