Hiệu quả dự án ngân hàng bò tại huyện Như Xuân
Những năm qua, hoạt động trợ giúp sinh kế cho người nghèo thông qua Dự án 'Ngân hàng bò' của Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam hỗ trợ tại huyện Như Xuân đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Từ dự án nhiều hộ dân đã có 'cần câu' để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên lên thoát nghèo.
Hội Chữ thập đỏ huyện Như Xuân trao bò cho các hộ nghèo.
Năm 2012, 100 hộ dân nghèo tại 2 xã Tân Bình, Yên Lễ (nay sáp nhập vào thị trấn Yên Cát) huyện Như Xuân được nhận bò giống sinh sản từ Dự án “Ngân hàng bò”. Khi tham gia dự án, mỗi hộ nghèo được trao tặng một con bò giống sinh sản và phải cam kết chăm, nuôi bò, không bán hay làm thịt. Sau khi nuôi con giống, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến 6 tháng tuổi, rồi chuyển giao bê cho hộ nghèo khác nuôi và được hoàn toàn sở hữu con bò giống ban đầu. Và cứ tiếp tục theo quy trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, đồng nghĩa với việc nhiều hộ nghèo được nhận bò để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với những hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Theo đánh giá của Hội CTĐ tỉnh, huyện Như Xuân là một trong những địa phương triển khai hiệu quả Dự án “Ngân hàng bò”. Sau 8 năm triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ dân nghèo trên địa bàn huyện. Từ 100 con bò cái ban đầu, các hộ dân đã chăm, nuôi tốt, thực hiện đúng quy ước bàn giao lại bê cái lứa sau cho các hộ nghèo khác. Đến năm 2020, đã có thêm 70 con bê lứa sau được trao lại cho các hộ nghèo khác. Chị Lê Thị Lan, thôn Tân Sơn, xã Tân Bình chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm, một mình lam lũ nuôi 2 con nhỏ. Thương cảm trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của chị, năm 2018, địa phương và hội CTĐ xã đã bình xét và bàn giao bê sinh sản từ hộ gia đình khác lại cho chị Lan. Sau khi nhận bê cái tôi đã được tham gia tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi. Nhờ nuôi đúng kỹ thuật, bò phát triển tốt, mang lại hiệu quả cho gia đình. Đây là một dự án ý nghĩa, do đó, tôi sẽ nuôi bò tốt để bò sinh sản, giúp những hộ nghèo khác có cơ hội được nhận hỗ trợ con giống.
Không chỉ nhân rộng được số bò giống sinh sản, từ dự án nhiều hộ dân đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Theo thống kê của Hội CTĐ huyện Như Xuân, trong tổng 170 hộ được nhận bò, có hơn 130 hộ được nhận bò đã phát triển chăn nuôi hiệu quả và thoát nghèo. Các hộ mới nhận bò từ năm 2018 trở lại đây đang từng bước phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như, gia đình bác Lê Kim Trình là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Yên Phú, xã Yên Lễ (nay là khu phố Phú Quế, thị trấn Yên Cát), năm 2012, bác vui mừng khi được nhận hỗ trợ bò giống sinh sản từ Dự án “Ngân hàng bò”. Sau khi nhận bò, gia đình đã chăm sóc cẩn thận, bò phát triển tốt, đến cuối năm 2013 bò cái sinh sản được 1 bê cái. Gia đình đã thông báo cho hội CTĐ xã và trao lại cho hộ nghèo khác. Từ 1 con giống được Nhà nước hỗ trợ gia đình bác đã phát triển đàn bò lên 5 con. Cùng với đó, gia đình đã phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Kinh tế dần ổn định, năm 2014 gia đình đã thoát nghèo. Đến nay, gia đình vẫn duy trì hiệu quả mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi cho thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.
Ông Hà Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Như Xuân cho biết, được hưởng lợi từ Dự án “Ngân hàng bò” Hội CTĐ huyện Như Xuân đã lập danh sách, rà soát, tổ chức bình xét trong dân một cách công khai, dân chủ để thống nhất những hộ được nhận hỗ trợ, tránh xảy ra khiếu kiện trong dân. Đồng thời, sau khi nhận bò, các hộ dân được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản do Ban Quản lý Dự án “Ngân hàng bò” và Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - hỗ trợ bò giống giúp người nghèo biên giới” phối hợp với các phòng chuyên môn ở huyện hướng dẫn. Để bò được phát triển tốt, Hội CTĐ huyện đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các gia đình làm chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống.
Từ hiệu quả của Dự án “Ngân hàng bò”, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia hỗ trợ con giống sinh sản cho người nghèo tại huyện Như Xuân và các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giúp các hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Qua việc triển khai Dự án “Ngân hàng bò” tại huyện Như Xuân đã chứng minh chương trình hỗ trợ sinh kế không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo mà dự án còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân, tương ái; từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Mong rằng trong thời gian tới, Dự án “Ngân hàng bò” sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để dự án ngày càng lan tỏa, trao thêm những niềm vui, hy vọng mới cho các hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.