Hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở huyện Ngọc Lặc

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các xã 135 của huyện Ngọc Lặc đã được hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Cùng với đó là các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng góp vốn đối ứng đã phát huy hiệu quả rõ nét trong công tác giảm nghèo.

Hộ gia đình ông Bùi Văn Hình ở thôn Chả Thượng, xã Mỹ Tân sau 2 năm thực hiện dự án đã nhân đàn lên 2 con.

Mỹ Tân là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Lặc, tuy có nguồn lao động dồi dào, người dân cần cù, chịu khó, tích cực làm ăn nhưng còn thiếu về kiến thức khoa học - kỹ thuật, phương thức canh tác vẫn dựa vào kinh nghiệm, tập quán là chính. Do đó, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 16,71% và rất khó thoát nghèo bền vững. Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ mua bò giống sinh sản” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chính là bước đệm giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Lê Hồng Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Tháng 10-2017 xã được hỗ trợ 350 triệu đồng thực hiện nuôi bò cái sinh sản tại làng Chả và làng Thượng (nay là thôn Chả Thượng) với 36 hộ tham gia, trong đó có 28 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Ngoài nguồn hỗ trợ trên, các hộ tự góp vốn đối ứng mua giống, xây chuồng trại, mua thức ăn cho bò với tổng số tiền 298 triệu đồng. Để tránh rủi ro trong chăn nuôi, trước khi mua bò, các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật làm chuồng, trồng cỏ, chọn giống, tiêm phòng cho bò, cách chế biến, bảo quản thức ăn sinh học bảo đảm dinh dưỡng, không bị ẩm mốc. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nắm bắt thời kỳ động dục của bò để phối giống có hiệu quả nhất và được tập huấn kỹ thuật chăm sóc khi bò sinh sản, cách chăm bê con và bò mẹ.

Thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, từ năm 2017 đến 2019, huyện Ngọc Lặc được thụ hưởng 6 dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản tại các xã Mỹ Tân, Thạch Lập, Vân Am, Phùng Giáo, Phùng Minh và Lộc Thịnh, với 172 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo tham gia. Kinh phí thực hiện là 3 tỷ 418 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ 850 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân. Ông Quách Văn Thọ, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Lặc, cho biết: Hầu hết các hộ tham gia dự án có tinh thần trách nhiệm tương đối cao, thực hiện đúng cam kết ban đầu, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích. Các dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó xã Mỹ Tân thực hiện dự án từ tháng 10-2017, đến nay có 9 con bò sinh sản được 9 con bê, 7 con đang chửa và 19 con phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, việc thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng góp vốn đối ứng, thu hồi và luân chuyển vốn đã khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo vào sự hỗ trợ của Nhà nước; huy động được các nguồn lực của người dân, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc phát triển con giống. Đây là một mô hình có tính khả thi cần được nhân rộng để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện cùng các tiểu dự án khác như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nguồn lực của địa phương; nguồn xã hội hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nếu như đầu năm 2016 toàn huyện có 6.225 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,28% thì đến cuối năm 2019 tổng số hộ nghèo còn 1.340 hộ, chiếm tỷ lệ 4,13%.

Tuy đã đạt được những thành quả nhất định, song trong quá trình thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: Cơ chế điều phối, phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn bất cập. Còn có sự chồng chéo, nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân. Việc xây dựng kế hoạch, thực hiện chương trình tại một số địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Mặt khác, do đặc thù dự án được thực hiện ở các xã 135, điều kiện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, không đồng đều nên việc tiếp cận, thực hiện mô hình còn hạn chế. Trong khi trên địa bàn huyện cùng lúc có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất nhưng chỉ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là có thu hồi vốn nên nhiều hộ chưa thực sự “tha thiết” tham gia dẫn đến khó nhân rộng mô hình.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/hieu-qua-du-an-nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo-o-huyen-ngoc-lac/113159.htm