Hiệu quả giáo dục pháp luật từ các phiên tòa lưu động
ĐBP - Cuối tháng 10 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức xét xử lưu động 3 vụ án hình sự về ma túy tại xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ). Tại phiên tòa, khi thư kí thông qua tên tuổi các bị cáo, nhiều người không khỏi xót xa bởi có bị cáo còn rất trẻ.
Đoàn viên Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mường Chà tuyên truyền pháp luật tại bản Huổi Toóng 1, xã Huổi Lèng.
Ông Giàng Lao Tơn, bản Đề Bua, xã Phìn Hồ cho biết: Dù bận việc nhà, nhưng được cán bộ UBND xã thông báo có vụ xét xử lưu động ở xã, tôi sắp xếp thời gian đến xem. Nhiều người trong xã cũng chưa có dịp nào được trực tiếp chứng kiến một phiên tòa như thế này. Theo dõi phiên tòa, chúng tôi thấy sự nghiêm minh của pháp luật và cũng hiểu được hậu quả của việc vi phạm pháp luật, vướng vào ma túy phải đứng trước vành móng ngựa.
Trong các kênh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thì việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi qua những phiên tòa xét xử lưu động này, người dân được “tai nghe, mắt thấy”, rõ từng hành vi, vụ việc vi phạm pháp luật cụ thể.
Chị Hồ Chính Hóa, Bí thư Đoàn xã Phìn Hồ cho biết: Tôi thấy việc đưa ra xét xử lưu động rất tốt, đây là cơ hội để cho người dân trên địa bàn hiểu được những hành vi vi phạm pháp luật. Tòa án xét xử vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tính chất răn đe, cảnh báo, giáo dục người dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên không sa vào tệ nạn như nghiện ma túy, trộm cắp, để tránh bị đi tù.
Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chỉ có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Ngược lại, hầu hết những phiên tòa xử lưu động thu hút rất đông người theo dõi. Nhiều nơi hội trường không đủ chỗ phải tổ chức phiên tòa ngoài trời để mọi người đều được theo dõi. Do đó, tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động rất cao.
Ông Lèng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: Để đảm bảo các điều kiện cho tòa án tổ chức xét xử lưu động, UBND xã đã chuẩn bị chu đáo về địa điểm xét xử, công tác an ninh trật tự. Đặc biệt, chúng tôi đã thông báo rộng rãi đến các bản để người dân nắm được thời gian, địa điểm đến theo dõi vụ việc. Qua đó, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân luôn tuân thủ các quy định của pháp luật.
Nhìn từ góc độ giáo dục pháp luật, thì những vụ án xét xử lưu động đã tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và nhận thức pháp luật của người dân đối với các vụ việc vi phạm pháp luật; là dịp để chuyển tải các quy định của pháp luật đến với người dân. Đồng thời có tác dụng cảnh báo, răn đe, giáo dục chung trong công tác phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, trong các đợt tổ chức xét xử lưu động, Đoàn thanh niên Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp cùng Chi đoàn thanh niên nơi triển khai việc xét xử tổ chức lồng ghép tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh đã tổ chức 24 phiên xét xử lưu động. Để tổ chức các phiên tòa lưu động một cách hiệu quả, phải xây dựng kế hoạch từ khâu lựa chọn vụ án, địa điểm mở phiên tòa, lựa chọn thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa; bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động. Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án để lồng ghép các văn bản pháp luật cần phổ biến, tuyên truyền đến Nhân dân. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử lưu động, tuyên truyền pháp luật. Bởi Hội thẩm nhân dân là người đại diện cho nhân dân tham gia trực tiếp vào việc thực hiện quyền lực của Nhà nước.