Hiệu quả hồ chứa nước Sông Móng

Những năm trước đây, vào mùa khô nhân dân các xã, thị trấn Tân Lập, Tân Thuận, Hàm Minh, Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Nhiều hộ dân phải thuê xe chuyên chở nước sinh hoạt từ nơi xa về sử dụng hoặc mua nước bình uống hàng ngày rất tốn kém, làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Không ít hộ dân phải đầu tư đào ao, hồ dự trữ nước để tưới cho vườn thanh long.

Nhưng từ khi có hồ Sông Móng đến nay, người dân trong huyện không còn cảnh thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt mà còn tạo điều kiện mở rộng thêm diện tích các loại cây trồng.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV KTCT thủy lợi Bình Thuận - chi nhánh Hàm Thuận Nam cho biết: Vào năm 2007, công trình hồ chứa nước Sông Móng được Nhà nước đầu tư 207,9 tỷ đồng xây dựng tại xã Hàm Thạnh và đến năm 2011, công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong huyện. Công trình có dung tích hữu ích 34 triệu m3, cung cấp nước tưới 4.670 ha đất canh tác cho khu tưới của đập dâng Ba Bàu, gồm: Khu tưới kênh Nam 2.700 ha, khu tưới kênh Tây 1.970 ha. Đồng thời điều tiết hạ thấp đỉnh lũ giảm ngập cho vùng hạ lưu Sông Móng và cải thiện một phần khí hậu, môi trường của vùng dự án trong mùa khô. Cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các nhà máy nước trong huyện và phục vụ nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho các khu công nghiệp, khu dân cư đang triển khai xây dựng. Cụ thể là Khu công nghiệp Hàm Kiệm, với diện tích 579 ha; Khu dân cư dịch vụ Hàm Kiệm, với diện tích 230 ha; Khu đô thị Ngã Hai - Hàm Mỹ, với diện tích đất chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp trên 900 ha. Nhất là sau khi các ngành chức năng tỉnh đã đầu tư khoảng 161 tỷ đồng xây dựng tuyến kênh dẫn nước từ hồ Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập – Tà Mon, với chiều dài 40 km để cung cấp nguồn nước bổ sung cho các hồ, đập và thực hiện nối mạng thủy lợi các xã phía Nam của huyện. Qua đó đã phục vụ nước tưới thêm cho 1.600 ha đất canh tác của các hộ dân ở vùng bị khô hạn và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Thuận Nam, Nhà máy nước Ba Bàu, với công suất khoảng 6.000 m3/ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhờ có hồ chứa nước Sông Móng, nên tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm, cây lâu năm của huyện đã tăng lên 37.594 ha, trong đó cây trồng hàng năm 14.400 ha và cây trồng lâu năm 23.194 ha. Sau khi thực hiện nối mạng thủy lợi các xã phía nam của huyện, các hộ dân đã đầu tư mở rộng diện tích trồng thanh long lên 14.521 ha, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, xã hội của huyện ngày càng phát triển nhanh chóng. Diện tích canh tác của các hộ dân được đảm bảo nguồn nước tưới ổn định khoảng 6.800 ha và cung cấp đầy đủ nguồn nước cho các Nhà máy nước Thuận Nam, Nhà máy nước Ba Bàu hoạt động hết công suất, phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân trong huyện.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hieu-qua-ho-chua-nuoc-song-mong-99856.html