Hiệu quả hoạt động các mô hình PCCC
ĐBP - Trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), yếu tố quan trọng hàng đầu là mỗi người dân phải có ý thức, kiến thức, kỹ năng để tự phòng, tự bảo vệ chính mình khi có tình huống cháy, nổ xảy ra, trước khi lực lượng chuyên trách có mặt. Đây cũng chính là mục đích, ý nghĩa của những mô hình, giải pháp PCCC từ khu dân cư đã và đang được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Mô hình Tiếng kẻng an toàn PCCC tại chợ Trung tâm 1, TP. Điện Biên Phủ.
Chợ Mường Thanh là khu chợ đông đúc, có nhiều gian hàng của các tiểu thương với đa dạng các loại hàng hóa. Đầu tháng 6/2022, tại đây đã xảy ra một vụ cháy lớn thiêu rụi nhiều gian hàng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, nguyên nhân được xác định do chập điện. Hiểu được sự nguy hiểm và mất mát do cháy, nổ gây ra, các tiểu thương tại chợ đã tự nguyện tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, mỗi mô hình có từ 5 đến 15 hộ gia đình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ở liền kề nhau, mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ. Các phương tiện này sẽ được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Điểm nổi bật trong mô hình trên là mỗi hộ gia đình lắp đặt 1 chuông báo cháy ở vị trí phù hợp và được liên kết với nhau để khi ấn bất kể nhà nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình khác cùng kêu, kịp thời tương trợ nhau khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra.
Bên cạnh mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thêm nhiều mô hình về PCCC tại khu dân cư, phù hợp với địa bàn như: “Điểm chữa cháy công cộng” là mô hình triển khai tại các ngõ sâu có nhiều hộ dân sinh sống, xe chữa cháy khó tiếp cận. Phương tiện được bố trí tại mỗi điểm gồm: 2 bình bột chữa cháy, búa và hướng dẫn sử dụng. Các điểm chữa cháy công cộng được bố trí tại nơi dễ thấy, thuận lợi cho việc sử dụng khi có sự cố cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, không cản trở lối đi lại của người dân, tránh mưa, nắng và có biển thông báo.
Mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC” được xây dựng tại những khu vực có các hộ dân kinh doanh, hoặc ở không tập trung, đây là mô hình tự nguyện, tự chủ về kinh phí, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác nhằm tập hợp cá nhân, tổ chức tham gia công tác bảo đảm an toàn PCCC và ANTT. Kẻng được lắp đặt tại trung tâm cụm dân cư, có biển báo, dễ thấy, dễ sử dụng và phân công trách nhiệm cụ thể cho người sử dụng. Hệ thống hiệu lệnh kẻng bao gồm: Kẻng báo yên đánh vào lúc 21 giờ hằng ngày để báo hiệu, nhắc nhở người dân biết đã đến giờ kiểm tra an toàn việc sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện, nguồn dễ phá sinh cháy, nổ của gia đình; kẻng báo hiệu cháy nổ, báo cứu nạn cứu hộ và các vụ việc liên quan đến ANTT khi xuất hiện tình huống cháy, nổ...
Đến thời điểm hiện tại, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động 36 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 8 điểm chữa cháy công cộng và 1 mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC”. Các hộ gia đình được hướng dẫn, tập huấn các kỹ năng ứng phó khi gặp tình huống cháy nổ, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ cơ bản để bảo vệ cho gia đình mình được an toàn; hướng dẫn về sử dụng ứng dụng báo cháy 114… Bên cạnh đó Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh phối hợp với các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại các địa bàn dân cư, hộ gia đình.
Các mô hình nhằm phát huy vai trò chủ động, chủ thể của nhân dân, củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, tổ liên gia, tổ nhân dân tự quản trong hoạt động PCCC, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Qua đó, mỗi người dân hình thành thói quen tốt về PCCC, xác định đây là yêu cầu hết sức cần thiết để giảm thiểu thiệt hại do sự cố cháy nổ có thể gây ra.