Hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng

Trong những năm qua, chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) trong tỉnh ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện cho nhiều người dân được học tập thường xuyên, bổ sung kiến thức qua đó áp dụng kinh nghiệm vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trung tâm HTCĐ xã Trực Cường (Trực Ninh) là một trong những đơn vị đã duy trì tốt trong công tác giáo dục cộng đồng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trong những năm qua, chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) trong tỉnh ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện cho nhiều người dân được học tập thường xuyên, bổ sung kiến thức qua đó áp dụng kinh nghiệm vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Người cao tuổi xóm Phạm Duyến, xã Hải Phú (Hải Hậu) sinh hoạt văn hóa tại nhà văn hóa xóm.

Người cao tuổi xóm Phạm Duyến, xã Hải Phú (Hải Hậu) sinh hoạt văn hóa tại nhà văn hóa xóm.

Trung tâm HTCĐ xã Trực Cường (Trực Ninh) là một trong những đơn vị đã duy trì tốt trong công tác giáo dục cộng đồng, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy”, học tập suốt đời của mọi người dân. Đảng ủy, UBND xã đã đẩy mạnh các hoạt động của trung tâm nhằm tạo điều kiện cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời với các nội dung, chuyên đề và hình thức hoạt động phong phú, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng đối tượng. Đến nay, xã đã có nhiều mô hình sản xuất mới, cơ cấu nông nghiệp nông thôn thay đổi, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hàng năm, chuẩn bị vào năm học mới, thực hiện hướng dẫn của Phòng GD và ĐT huyện, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy xã, trung tâm HTCĐ xã tổ chức họp bàn, thống nhất với Ban nông nghiệp xã, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, các nhà trường, trạm y tế… chủ động liên hệ với các chương trình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, các công ty phân bón, các công ty thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, các công ty thuốc bảo vệ thực vật, các hiệp hội… mở các lớp chuyên đề như: chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, chuyên đề về giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, nữ công gia chánh, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, kiến thức làm cha mẹ, khuyến học... Khi có các chương trình tập huấn, trung tâm đều thông tin cho mọi người dân biết thông qua cụm loa truyền thanh của xã nên đã thu hút được đông đảo người dân đến học tập. Trung bình mỗi năm, trung tâm đã mở từ 10-15 lớp học, thu hút khoảng 1.500 lượt học viên. Riêng Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã mở các lớp kỹ thuật chăn nuôi, sau khóa học người học được hỗ trợ đồ nghề thú y, hỗ trợ về kiến thức để áp dụng thành công vào phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, nâng cao các sản phẩm. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Kinh tế gia đình vững vàng, người dân đã ủng hộ kinh phí hoạt động cho trung tâm. Bên cạnh đó, trung tâm đã giúp người lao động tiếp cận được với các lớp học nghề ngắn hạn, đã có hàng trăm người dân từ chưa qua đào tạo nghề nhờ học tập tại các lớp dạy nghề ngắn hạn đã có nghề nghiệp ổn định, tăng thu nhập, tiếp cận được kiến thức, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, trung tâm còn phối, kết hợp với trạm y tế thị trấn làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch cho người và vật nuôi, cây trồng tại cộng đồng như: tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh theo mùa, phòng chống dịch COVID-19… Trung tâm cũng phát huy hiệu quả thư viện kết hợp với bưu điện văn hóa xã, các thư viện trường học, các phòng tin học vào chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần để bà con nông dân đến đọc sách, tìm kiếm thông tin trên mạng phục vụ cho cuộc sống và sản xuất.

Từ nhiều năm nay, các trung tâm HTCĐ trong tỉnh đã tập trung nâng cao kiến thức, chất lượng cuộc sống của nhiều người dân, nhất là những lao động không có điều kiện học chính quy và những người nghèo, những người trong các nhóm yếu thế. Mô hình học tập này góp phần phổ biến các kiến thức khoa học - kỹ thuật về nuôi, trồng các loại cây, vật nuôi... đến với người dân được thuận lợi, góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đồng thời, qua việc học tập đã tạo bước tiến về xây dựng đời sống văn hóa ở từng gia đình, cộng đồng; giáo dục phát triển toàn diện và bền vững trong phổ cập tiểu học và THCS… Bên cạnh đó, việc xây dựng “Cộng đồng học tập” xã đã giúp UBND các cấp đánh giá thực trạng và đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 81,7% số cộng đồng học tập (cấp thôn, xóm, tổ dân phố) đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 91%, cộng đồng cấp xã đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Qua kiểm tra, đánh giá, đã có 97,3% trung tâm HTCĐ đạt hoạt động khá, tốt, không còn trung tâm yếu kém. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.839 cán bộ quản lý, giáo viên biệt phái, nhân viên, công tác viên. Ban Giám đốc các trung tâm đã làm tốt công tác tham mưu để UBND các xã quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho hoạt động của trung tâm. Hiện nay, 215/226 trung tâm có văn phòng làm việc riêng, 11 trung tâm có địa điểm làm việc tích hợp với UBND xã, 100% các trung tâm có ít nhất 1 bộ máy tính và tủ đựng tài liệu. Các trung tâm HTCĐ đã mở nhiều lớp đáp ứng nhu cầu về thông tin, xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền về pháp luật, bồi dưỡng nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, dạy nghề... cho người dân. Nhờ có vai trò nòng cốt là cán bộ trung tâm HTCĐ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các trường học trong xã, phường, thị trấn, trung tâm HTCĐ đã cùng với các chi hội khuyến học khảo sát nhu cầu học tập của người dân, mở nhiều lớp học theo phương châm “cần gì học nấy”. Mỗi năm có hàng nghìn lượt người được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm học 2021-2022, số người tham gia học tập tại các trung tâm trong toàn tỉnh là 109.410 người, trong đó 13.959 người học nghề ngắn hạn, 57.349 người tham gia học tập các chuyên đề. Các nội dung chủ yếu của các lớp chuyên đề là chuyển giao công nghệ, tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, chăn nuôi, nâng cao sức khỏe của người dân, tăng cường vốn sống, kỹ năng sống cho những người ở tuổi vị thành niên...; đặc biệt các lớp dạy nghề ngắn hạn đã giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh. Một số trung tâm còn tổ chức được các hoạt động phong phú, thích hợp như câu lạc bộ dưỡng sinh, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, kết hợp với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao giữa các địa phương.

Hoạt động hiệu quả của các trung tâm HTCĐ đã và đang tạo ra nền móng cho một xã hội học tập ngoài nhà trường hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế xã hội từ cơ sở./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202210/hieu-qua-hoat-dong-cua-cac-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-2553497/