Hiệu quả hoạt động của nhóm liên gia tự quản
Toàn tỉnh hiện có 2.493 người chấp hành xong án phạt tù chưa được xóa án tích, phần lớn thuộc diện hộ nghèo, không có việc làm, khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng. Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ để họ từng bước tái hòa nhập cộng đồng. Một trong số những mô hình hiệu quả là giao cho 'Nhóm liên gia tự quản' về an ninh trật tự theo Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 1/6/2020 của UBND tỉnh.
Tỉnh ta hiện có trên 17.400 nhóm liên gia tự quản (LGTQ). Trước khi bàn giao người mãn hạn tù cho các nhóm quản lý, lực lượng công an các xã, thị trấn phối hợp với Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an huyện) thống kê số người mãn hạn tù trên địa bàn còn thời gian quản lý. Đồng thời, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú của người mãn hạn tù để giao cho các nhóm LGTQ giáo dục, giúp đỡ. Theo đó, nhóm trưởng, nhóm phó các nhóm LGTQ và đại diện các hộ gia đình trong nhóm ký cam kết giáo dục, giúp đỡ người mãn hạn tù.
Thành viên các nhóm LGTQ tận tình giúp đỡ, hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng bằng những việc làm thiết thực, như: Định hướng nghề nghiệp; thường xuyên gặp gỡ, động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống; phối hợp với mặt trận, các đoàn thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức hội, đoàn thể nơi cư trú.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm, nhóm LGTQ tổ chức họp nhận xét ưu, khuyết điểm, những biểu hiện vi phạm (nếu có) và những nội dung yêu cầu người được giáo dục chấp hành cần thực hiện trong thời gian tới. Tổng hợp ý kiến đánh giá quá trình phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng của người mãn hạn tù và báo cáo với công an xã. Trên cơ sở đó, lực lượng công an xã nhận xét người mãn hạn tù và bổ sung hồ sơ quản lý theo quy định. Thông báo thời hạn đương nhiên xóa án tích, hướng dẫn người mãn hạn tù làm thủ tục đề nghị xem xét xóa án tích theo quyết định của tòa án khi đủ điều kiện.
Anh Lèo Văn Ón, bản Ngoạng, xã Mường Bú, huyện Mường La, chấp hành án xong vào tháng 2/2020, trở về địa phương được nhóm LGTQ bản Ngoạng giáo dục, quản lý. Nhờ những buổi tham gia sinh hoạt trong các tổ chức hội, đoàn thể, anh dần xóa bỏ được mặc cảm, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đại úy Bạc Thanh Tuyền, Trưởng Công an xã Mường Bú, huyện Mường La, cho biết: Toàn xã hiện có trên 2.893 hộ, chia thành 202 nhóm LGTQ. Cùng với việc duy trì các hoạt động tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm các dấu hiệu phạm tội, các nhóm LGTQ còn giúp đỡ, hỗ trợ 37 trường hợp chấp hành xong án phạt tù, vận động họ thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của bản, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Thuận Châu hiện đang quản lý 411 người mãn hạn tù trong cộng đồng. Thiếu tá Lò Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện, thông tin: Trong công tác phối hợp tham gia tiếp nhận, quản lý, cảm hóa người vi phạm pháp luật tại cộng đồng, công an 29 xã, thị trấn đã hướng dẫn họ làm các thủ tục trình diện tại địa phương; giúp đỡ việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu, làm căn cước công dân, đăng ký hộ khẩu thường trú; làm thủ tục xóa án tích khi đủ điều kiện… 2.769 nhóm LGTQ trên địa bàn thường xuyên gặp gỡ, động viên và tổ chức cho người chấp hành xong án phạt tù ký cam kết không tái phạm.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực cho các nhóm LGTQ về an ninh trật tự tại cơ sở; tăng cường giáo dục pháp luật thông qua gặp gỡ, trao đổi giữa các nhóm và người được giáo dục, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lầm lỡ để họ tự giác chấp hành đúng pháp luật, kịp thời xử lý những biểu hiện chấp hành không nghiêm…