Hiệu quả 'kép' luân chuyển cán bộ về cơ sở ở Hương Khê
Luân chuyển dần trở thành việc thường xuyên trong công tác cán bộ ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Không chỉ để cán bộ thử thách, trưởng thành mà còn giúp các địa phương phát triển.
Với đặc thù là địa bàn miền núi, cách trở, đời sống còn nhiều khó khăn nên đội ngũ cán bộ từ cấp xã, thôn ở nhiều địa phương huyện Hương Khê vẫn còn thiếu và yếu về năng lực, trình độ chuyên môn. Chủ trương luân chuyển đã góp phần giải quyết được căn bản vấn đề “thiếu, yếu” cán bộ tại địa bàn miền núi này. Nhiều đồng chí là cán bộ cấp huyện sẵn sàng về các xã vùng xa, khó khăn và cùng sát cánh với dân. Từ đó xây dựng mối quan hệ gắn bó và thân mật, tạo niềm tin trong Nhân dân. Ở hầu hết các địa phương có cán bộ luân chuyển đều có sự chuyển biến, đổi thay, khởi sắc.
Điển hình như ở xã Hà Linh. Đây là xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối cùng của tỉnh Hà Tĩnh. Chia sẻ về cái nghèo, cái khó, một số người dân địa phương nói vui với chúng tôi rằng: “Bà con ở đây chỉ có nửa năm để phát triển sản xuất, nửa năm còn lại lo chạy lụt”. Thực tế Hà Linh là vùng rốn lũ của Hương Khê, thiên tai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mà còn khiến không ít người dân có tâm lý chán nản, bỏ bê sản xuất.
Nhằm phấn đấu về đích nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê đã luân chuyển, điều động cán bộ năng lực về tham gia lãnh đạo địa phương. Trong đó, đầu năm 2022, anh Bùi Ngọc Du được điều động từ Phòng LĐ-TB&XH huyện về đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã (nay là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Linh).
Anh Bùi Ngọc Du kể lại: “Thời gian đầu đảm nhiệm chức vụ, tôi rất lo lắng, tuy nhiên bản thân tôi không cho phép nhiều thời gian “bỡ ngỡ” bởi quỹ thời gian để xây dựng nông thôn mới còn khá ít, trong khi khối lượng công việc lớn; nếu chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của huyện và việc thực hiện đề án nông thôn mới của tỉnh. Ngay từ khi về cơ sở, tôi vừa tìm hiểu về tiềm năng, khó khăn và cả tâm tư của người dân; đồng thời chỉ đạo toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc xây dựng nông thôn mới kết hợp với xã hội hóa, kêu gọi và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực hỗ trợ, đỡ đầu của cấp tỉnh, cấp huyện. Công tác xây dựng nông thôn mới từng thôn được phân công người phụ trách cụ thể, định kỳ phải báo cáo kết quả và khó khăn để tháo gỡ. Đến cuối năm 2023, bộ mặt nông thôn địa phương thực sự đã có chuyển biến, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.
Còn tại thị trấn Hương Khê, sau gần 2 năm công tác, anh Dương Ngọc Hoàng đã giúp địa phương được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Trước khi về cơ sở, anh từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chánh Thanh tra huyện, Trưởng phòng NN&PTNT…
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê Dương Ngọc Hoàng chia sẻ: "So với các địa phương vùng sâu, vùng xa thì công tác tại vùng đô thị có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thời điểm đó (đầu năm 2023), khối lượng công việc rất ngổn ngang, địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguồn lực, thiếu chính sách. Với vai trò là người đứng đầu, tôi trăn trở, giao việc rõ cho từng cá nhân để phát huy năng lực và đặc biệt là tạo sự đoàn kết, đồng lòng của bộ máy chính quyền cũng như ở Nhân dân".
Nhờ đó, chưa đến 2 năm, thị trấn đã huy động nguồn lực từ xã hội hóa và Nhân dân đóng góp lên đến hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Đồng thời, thị trấn cũng đã và đang tập trung phối hợp thực hiện công tác giải phóng bằng phục vụ “Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hương Khê”. Qua đó góp phần giúp địa phương đạt chuẩn đô thị văn minh.
Xác định công tác luân chuyển sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho hệ thống chính trị, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê đều xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hương Khê đã thực hiện điều động, luân chuyển 35 lượt cán bộ thuộc diện quản lý đảm bảo kế hoạch đề ra, trong đó có 12 đồng chí luân chuyển về cơ sở.
Bí thư Huyện ủy Hương Khê Nguyễn Thanh Điện cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chủ trương về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, vừa góp phần khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; vừa thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Cán bộ diện luân chuyển, điều động được rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm lựa chọn cán bộ đáp ứng năng lực, trách nhiệm, triển vọng phát triển; có nghị lực phấn đấu, nhận nhiệm vụ với quyết tâm học tập, rèn luyện thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành. Theo đó, sau hơn 2 năm thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW ngày 22/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; cán bộ được luân chuyển cơ bản đã chủ động, tích cực học hỏi, tìm tòi, cùng tập thể cấp ủy, lãnh đạo địa phương, đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy theo chủ trương của Bộ Chính trị; đồng thời thực hiện một bước về công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; cuối năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy đã luân chuyển, điều động 10 vị trí công tác, đều giữ chức vụ cấp trưởng tại các cơ quan, đơn vị; trong đó có 3 đồng chí luân chuyển ngang giữa các xã.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, cùng với tinh thần cầu thị, cụ thể, sâu sắc; đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình thực tiễn; thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, đơn vị để tiếp tục thực hiện chủ trương về luân chuyển cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng luân chuyển ngang giữa các xã.