Hiệu quả kép từ trồng lúa hữu cơ
Những năm qua, thông qua việc tích tụ ruộng đất, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trồng lúa hữu cơ cho hiệu quả kép là nâng cao giá trị kinh tế và tạo nên vùng nông nghiệp sạch, xanh, bảo vệ môi trường.
Với kết quả đạt được, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với quy định hiện hành để mở rộng mô hình, tạo nên những vùng trồng cây hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Những mô hình hiệu quả
Từ năm 2012, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) trở thành địa danh “xanh, sạch” của nông thôn Hà Nội với mô hình lúa hữu cơ. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho hay, năm 2012, Hợp tác xã được tiếp cận dự án PAMSI của Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tích 5ha. Với hiệu quả đạt được, đến nay, toàn xã có hơn 70ha lúa hữu cơ với giống Bắc thơm số 7. Trong đó, Hợp tác xã có vùng nguyên liệu hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Giá bán gạo hữu cơ của Đồng Phú luôn cao gấp 2,5-3 lần so với loại gạo sản xuất thông thường, doanh thu đạt hơn 160 triệu đồng/ha/năm. Để minh bạch hóa quá trình sản xuất, camera giám sát được lắp trên các cánh đồng, người quản lý có thể truy cập quá trình sản xuất bảo đảm quy trình hữu cơ.
Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Đồng Phú còn giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất và bảo vệ môi trường. Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, từ thành công mô hình, Hợp tác xã thuê đất của các hộ bỏ ruộng hoang, xử lý đất sạch để mở rộng mô hình trồng lúa. Đến nay, ngoài sản xuất lúa gạo, Hợp tác xã còn phối hợp với doanh nghiệp gia tăng giá trị cho thành viên bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, như: Chế biến bún tươi, bánh, sữa, tinh dầu gạo… Hợp tác xã cũng tạo vùng nông nghiệp sạch kết hợp du lịch nông nghiệp, sinh thái.
Cũng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, tại xã Quảng Bị đã hình thành vùng trồng lúa hữu cơ. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị Nguyễn Viết Hùng, Hợp tác xã ký kết hợp đồng ủy quyền thuê ruộng của hơn 100 hộ để sản xuất, kết hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Balance Life sản xuất lúa hữu cơ, tiêu thụ 100% sản phẩm cho xã viên.
Không riêng huyện Chương Mỹ, một số địa phương khác cũng đã tích cực chuyển hướng sang sản xuất lúa hữu cơ. Điển hình như xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa), từ năm 2016 đến nay đã hình thành vùng lúa hữu cơ diện tích hơn 30ha với giống chủ lực là Bắc thơm số 7. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Đường Nguyễn Văn Nam, để xây dựng vùng lúa hữu cơ, Hợp tác xã thuê đất của nhiều hộ dân để trồng lúa. Để đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, qua từng năm, Hợp tác xã đã xử lý vi sinh vật gây hại, bảo đảm chất lượng đất, nguồn nước tưới tiêu cho cây lúa hữu cơ.
Nói về mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn thành phố, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 200ha sản xuất lúa chất lượng cao. Hiện hầu hết các mô hình đều liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Một số vùng cho sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài hiệu quả kinh tế, các mô hình trồng lúa hữu cơ đã góp phần giảm dần tình trạng đất bỏ hoang; mô hình sản xuất sạch, nông nghiệp xanh cũng dần hình thành...
Đề xuất chính sách để mở rộng mô hình
Hiệu quả từ mô hình trồng lúa hữu cơ đã được minh chứng, tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình đang là bài toán khó của nông nghiệp Thủ đô.
Ông Phạm Viết Tế - người dân xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị, gia đình tôi đã thay đổi tư duy sản xuất, nhận thức rõ sản xuất nông sản sạch chính là trách nhiệm của bản thân và xã hội. Chúng tôi không thể bỏ cây lúa bởi đó là đời sống và bản sắc văn hóa ở nông thôn”.
Theo quy hoạch và kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt của ngành Nông nghiệp Thủ đô, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích trồng lúa; quy hoạch trồng lúa ở những vùng có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Về lâu dài, thành phố sử dụng chủ yếu giống lúa chất lượng cao, canh tác theo mô hình sạch để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô và hướng đến xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát vùng trồng lúa; hướng dẫn nông dân thực hiện bộ Tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ; tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy giao thương nông sản. Ngoài ra, Sở cũng sẽ căn cứ các quy định hiện hành để đề xuất chính sách hỗ trợ về vốn, hạ tầng, tiêu thụ... cho các vùng cây trồng hữu cơ, trong đó có cây lúa. Đặc biệt, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế, thành phố sẽ phát triển các vùng cây trồng hữu cơ trở thành điểm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hieu-qua-kep-tu-trong-lua-huu-co-645618.html