Hiệu quả khi vận hành VMS

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá (VMS) có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm quản lý tàu khai thác trên biển, đồng thời thông suốt về thông tin liên lạc để chủ động trong các tình huống cứu nạn cứu hộ, thời tiết, ngư trường… Mặc dù là tỉnh có tỷ lệ số tàu thuyền lắp đặt VMS cao nhất cả nước, nhưng nhiều ngư dân vẫn đang băn khoăn về chi phí thuê bao cũng như có cảm giác không thoải mái khi bị 'giám sát' suốt quá trình đánh bắt.

Hiệu quả khi vận hành VMS

Nằm bờ vẫn đóng thuê bao!

Vừa trở về sau chuyến biển 10 ngày, ông Lê Tuấn Khôi – ngư dân Phan Rí Cửa than thở khi sản lượng thu về không đủ bù tổn. Là một trong những người đầu tiên ở thị trấn này lắp thiết bị VMS theo quy định, nên nghe tôi hỏi thăm đến vấn đề này, ông chia sẻ: “Những năm gần đây, nghề khai thác thủy sản liên tiếp mất mùa, ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng quy định tàu từ 15m trở lên buộc phải lắp thiết bị VMS mới được cấp phép ra khơi, nên tôi cũng tuân thủ theo. Biết rằng lắp thiết bị VMS sẽ hạn chế được tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải khai thác hải sản bất hợp pháp, nhưng ngoài tiền mua thiết bị hơn 20 triệu đồng, tôi còn phải gánh thêm phí thuê bao hàng tháng hơn 300.000 đồng, đóng 1 lần 6 tháng. Đi biển có không nói gì, lỗ như chuyến biển vừa rồi không đủ tiền trả bạn, tiền đâu mà trả phí”. Hầu hết các ngư dân đã lắp thiết bị VMS đều than phiền về phí thuê bao, họ cho rằng tàu đánh bắt xa bờ chỉ hoạt động khoảng 6 – 8 tháng trong năm, những tháng còn lại nằm bờ nhưng vẫn phải đóng phí là rất vô lý, tạo gánh nặng cho người dân. Nếu chủ tàu ngắt thiết bị trong những tháng đó, khi tàu ra khơi trở lại phải kích hoạt thiết bị và buộc mất thêm 1 khoản phí vài trăm ngàn. Về vấn đề này, Chi cục Thủy sản đang làm việc với các nhà mạng để có phương án miễn, giảm cho ngư dân những tháng tàu nằm bờ để tạo điều kiện tối đa cho ngư dân vừa phát triển kinh tế vừa tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.

Mất kết nối…

Bên cạnh những bất cập về phí thuê bao, ngư dân cho rằng hiện nay nhiều chủ tàu lắp đặt thiết bị VMS chỉ để “đối phó”, được xuất, nhập cảng, còn quá trình hoạt động thì tắt, nhất là các tàu hành nghề lưới kéo và lưới chụp. Giải thích nguyên nhân, ông Khôi phân tích, phần lớn các tàu này hoạt động xa bờ, đối tượng khai thác của tàu lưới chụp là mực xà, loài hải sản có giá trị kinh tế thấp so với các loại mực cơm, mực nang, mực ống hoạt động ở tuyến lộng và ven bờ. Do đó nhiều chủ tàu lén lút hoạt động ở khu vực tuyến lộng và tắt thiết bị để tránh sự theo dõi, giám sát của ngành chức năng. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh, những trường hợp tàu cá hoạt động vùng khơi, xa bờ nhưng mất kết nối hoặc vượt ranh giới cho phép trên biển, Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá theo dõi chặt chẽ từng trường hợp, xác minh và thông báo đến lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương để làm việc với chủ tàu, lập biên bản, xác định rõ nguyên nhân mất kết nối, nhất là nhóm tàu cá đang hoạt động gần ranh giới vùng biển Việt Nam. Định kỳ hàng tháng Tổ giám sát tàu cá đã tổng hợp danh sách tàu cá mất kết nối trên biển gửi nhà mạng xác minh và thông báo đến các địa phương biết để quản lý hiệu quả.

Thiết bị VMS tên tàu

Thiết bị VMS tên tàu

Ngoài những vấn đề trên, hầu hết các chủ tàu và thuyền trưởng đều đánh giá cao về tác dụng của thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ông Nguyễn Thanh – ngư dân phường Phú Hài chia sẻ: “Với những chủ phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đều thấy yên tâm mỗi khi phương tiện ra khơi, vì rất nhiều chủ tàu không trực tiếp đi mà giao toàn bộ tài sản cho thuyền trưởng. Trước kia, tàu đánh bắt ở đâu, chúng tôi rất khó kiểm soát, nay kết nối qua điện thoại, chủ tàu đã giám sát, bảo vệ được tài sản của mình”. Theo các nhà mạng, khi lắp thiết bị VMS, hệ thống sẽ kết nối với 1 máy chủ là điện thoại hoặc ipad. Trên đó sẽ hiển thị rõ tọa độ đánh bắt cũng như đường biên giới trên biển. Qua hệ thống, ngư dân có thể trực tiếp theo dõi hoạt động của tàu, hạn chế tối đa việc xâm phạm lãnh hải nước ngoài và được cứu hộ kịp thời nếu tàu xảy ra sự cố… Tất cả được quản lý dễ dàng trên điện thoại trong điều kiện đánh bắt ngoài khơi xa.

Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm nhanh chóng xóa “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam nói chung và góp phần phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Theo quy định, đối với trường hợp không có thiết bị VMS, chủ tàu cá sẽ bị phạt từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; trường hợp tắt tín hiệu VMS sẽ bị phạt từ 20 - 500 triệu đồng.

Song Nguyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/lien-he/hieu-qua-khi-van-hanh-vms-136412.html