Hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò

Hạn hán, xâm nhập mặn liên tục diễn ra những năm gần đây đã làm cho các loại cây trồng ở huyện Cù Lao Dung khó phát triển và năng suất, sản lượng sụt giảm. Việc ra đời của Tổ hợp tác (THT) Chăn nuôi bò ở ấp Bình Danh B, xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung) là một điển hình trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất. Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình này đã được chính quyền địa phương, các hộ dân trực tiếp chăn nuôi đánh giá là mô hình rất phù hợp, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân ổn định cuộc sống. Đây cũng là mô hình thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.

THT Chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa ở ấp Bình Danh B được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7-2018 đến nay. Các thành viên của THT Chăn nuôi bò ở đây là các hộ hội viên dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo. Khi mới thành lập, THT Chăn nuôi bò có 7 hộ tham gia, nguồn vốn ban đầu 140 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua 7 con bò, nay đàn bò của THT tăng lên 56 con. Ngoài ra, thành viên THT còn góp vốn xoay vòng, tổng số vốn hiện nay gần 10 triệu đồng.

Đàn bò của gia đình chị Lê Thị Thơ, ở xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung) khỏe mạnh và phát triển nhanh. Ảnh: T.H

Đàn bò của gia đình chị Lê Thị Thơ, ở xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung) khỏe mạnh và phát triển nhanh. Ảnh: T.H

Chị Lê Thị Thơ, ngụ ấp Bình Danh B, thành viên của THT chia sẻ: “Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Khi tôi lập gia đình ra ở riêng được cha mẹ cho ít đất trồng mía, rau màu nhưng canh tác không hiệu quả. Tôi chuyển từ đất trồng mía sang nuôi tôm, cá nhưng cũng thua lỗ nặng do giá cả bấp bênh và dịch bệnh. Còn chồng tôi không may bị tai nạn mất trí nhớ không còn khả năng lao động, con lại còn nhỏ nên mọi việc trong nhà dù lớn hay nhỏ đều do tôi gánh vác”.

Chia sẻ về con đường vượt khó, chị tiếp lời: “Năm 2015, tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cù Lao Dung cộng với số vốn tích lũy của gia đình, tôi mạnh dạn đầu tư vào xây dựng chuồng và mua bò về nuôi. Gia đình tôi dành 2 công đất gần nhà để trồng cỏ nuôi bò và mua thêm rơm, bắp cho bò ăn. Năm 2018, thấy gia đình tôi cần cù và chịu khó làm ăn, chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã, huyện giới thiệu tham gia THT Chăn nuôi bò của ấp. Hiện tại, đàn bò của gia đình tôi đã sinh sản và phát triển ra hàng chục con, mỗi con có giá từ vài chục triệu đồng và hàng năm đều có bò đủ chuẩn xuất chuồng nên thu nhập từ bò của gia đình rất ổn định. Năm 2019, thu nhập từ bò mang lại trên 230 triệu đồng”.

Từ quá trình chăn nuôi bò theo phương pháp truyền thống, nay THT Chăn nuôi bò ở ấp Bình Danh B chuyển sang chăn nuôi bò có kỹ thuật. Những thành viên trong THT được tiếp cận các giống bò có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng, lợi nhuận kinh tế từ đàn bò được tăng lên rõ rệt.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cù Lao Dung Nguyễn Hồng Phúc cho biết: “THT Chăn nuôi bò ở ấp Bình Danh B là cách làm tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đàn bò của địa phương và người chăn nuôi có được mô hình học tập kinh nghiệm hiệu quả. Đặc biệt, có thể giúp cho những hội viên, nông dân và hộ gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hội viên, nông dân do hội nông dân triển khai thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh là một trong những chương trình thiết thực, ý nghĩa, đã và đang đem lại hiệu quả. Điển hình như THT Chăn nuôi bò có 7 thành viên ở ấp Bình Danh B, cách thức chăn nuôi mới như thế sẽ tạo động lực để các hộ Khmer, hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

T.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/hieu-qua-kinh-te-mang-lai-tu-mo-hinh-to-hop-tac-chan-nuoi-bo-45702.html