Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau nhút
Mô hình trồng rau nhút tại ấp Cái Đuốc Lớn, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang thời gian qua với hiệu quả kinh tế cao đang được địa phương tìm cách nhân rộng để bà con nông dân có thêm hướng sản xuất mới, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ trồng rau nhút gần 7 năm nay, gia đình anh Lâm Quốc Minh, ấp Cái Đuốc Lớn, xã Ngọc Chúc đã dần ổn định kinh tế, giúp tăng thêm thu nhập.
Anh Minh cho biết, trước đây gia đình mua rau nhút về ăn, do cọng rau dài nên phần còn dư anh mang trồng thử. Chỉ sau một thời gian ngắn, rau nhút lan ra và lớn nhanh, anh quyết định chuyển đổi 2 công đất lúa (khoảng 2.000 m2) trồng thử nghiệm mô hình rau nhút.
Sau vụ đầu, rau nhút phát triển tốt nhờ phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Ngọc Chúc. Anh Minh nhận thấy chi phí trồng rau nhút thấp, năng suất cao, đầu ra ổn định nên mạnh dạn chuyển tiếp hai công đất còn lại sang trồng toàn bộ rau nhút. Do canh tác lúa nhiều vụ kém hiệu quả không ổn định, giá lúa lại bấp bênh, anh Minh quyết định chuyển toàn bộ hai công đất lúa còn lại của gia đình sang trồng rau nhút với tổng diện tích 4 công (khoảng 4.000 m2).
Anh Lâm Quốc Minh cho biết, để rau nhút có năng suất cao, trước khi thả rau cần dọn lại nền đất, tiêu độc khử trùng và phơi mặt để hạn chế tối đa mầm bệnh. Mỗi hàng rau cách nhau từ 1 - 2 m. Rau nhút trồng 20 ngày là bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài hơn một tháng.
Theo anh Minh, rau nhút là loại cây khó trồng, rất dễ bị ốc bám và các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá phá hại. Rau nhút cũng nhạy với các loại thuốc nên phải tìm hiểu mới sử dụng cho hợp lý. Nếu có xịt thuốc thì phải xịt xoay vòng theo từng luống, rồi để sau 15 ngày mới cắt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc giúp cho rau giòn hoặc thân rau to.
Đặc biệt, để cây rau nhút phát triển tốt, xanh tươi, cần phải thả nhiều bèo tấm nhằm tạo độ mát cho mặt ao; đồng thời, người trồng phải thường xuyên theo dõi độ tăng trưởng của rau nhút để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Rau nhút thu hoạch hàng ngày và hiệu quả hơn hẳn cây lúa, từ lúc trồng tới lúc thu hoạch được là khoảng 20 ngày. Trên diện tích 4 công trồng rau nhút, anh Minh chia làm nhiều khu vực để cắt xoay vòng theo từng ngày, bình quân cắt được 50 kg/ngày. Giá rau nhút dao động 8.000 - 10.000 đồng/kg, một ngày gia đình anh Lâm Quốc Minh thu nhập 400.000 - 500.000 đồng.
Bên cạnh đó, anh Minh còn tận dụng trồng xen thêm cù nèo (một loại rau có nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long). Thu nhập từ cù nèo mỗi tháng cũng mang lại 1,5 - 2 triệu đồng. Từ một hộ thuộc diện khó khăn, gia đình anh Minh đã vươn lên thành hộ trung bình khá tại địa phương, có lợi nhuận để ổn định kinh tế và trang trải chi phí cho con cái ăn học.
Ông Mai Viễn Biến, Phó Trưởng ấp Cái Đuốc Lớn, xã Ngọc Chúc, mô hình trồng rau nhút chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả của gia đình anh Lâm Quốc Minh đã trở thành điển hình để nhân rộng tại địa phương. Không chỉ chí thú làm ăn để vươn lên phát triển kinh tế gia đình, anh Minh còn luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ về kỹ thuật trồng rau nhút cho bà con trong vùng.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Giồng Riềng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Giồng Riềng xác định nông nghiệp là thế mạnh, trong đó tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển các loại rau màu và nuôi trồng thủy sản.
Với hiệu quả bước đầu đạt được, mô hình trồng rau nhút có thể nhân rộng cho bà con nông dân cùng áp dụng, giúp cải thiện đời sống gia đình, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.