Hiệu quả liên kết sản xuất lúa xuân

Vụ xuân năm nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và nông dân đã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa. Mô hình đã phát huy hiệu quả mối liên kết giữa các bên tham gia sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Năm 2019, nông dân trong tỉnh gieo cấy hơn 10.000 ha lúa xuân. Cuối tháng 6, việc thu hoạch lúa xuân đã hoàn tất để giải phóng đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Vụ xuân năm nay, cây lúa chịu nhiều ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết bất lợi, các loại sâu bệnh hại tấn công mạnh, tuy nhiên người dân có sự chuẩn bị tốt, chủ động phòng trừ và khống chế sâu bệnh hại kịp thời nên cơ bản được mùa. Vụ năm nay cũng được đánh giá là thắng lợi đối với người sản xuất do các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tiếp tục được nhân rộng.

Nông dân xã Bản Xen (huyện Mường Khương) thu hoạch lúa Séng cù.

Nông dân xã Bản Xen (huyện Mường Khương) thu hoạch lúa Séng cù.

Gia đình bà Bùi Thị Tơ (xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng) có 8 sào ruộng, trong đó 4 sào để cấy lúa thịt và 4 sào cấy lúa giống (liên kết với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh). Kết thúc vụ xuân, gia đình bà Tơ thu được 787 kg thóc giống và 1 tấn thóc thịt. Toàn bộ thóc giống của gia đình bà Tơ được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh thu mua với giá 16.000 đồng/kg, thu lợi nhuận 12,6 triệu đồng. Số thóc còn lại, bà Tơ bán cho thương lái với giá 8.000 đồng/kg, thu 8 triệu đồng.

Bà Bùi Thị Tơ cho biết, sản xuất lúa giống vất vả hơn rất nhiều do đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với gieo cấy truyền thống. Tuy nhiên, khi liên kết sản xuất, bà được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, lợi nhuận thu về cao hơn so với trồng lúa thịt. Hơn nữa, khi liên kết sản xuất, bà không lo bị ép giá, cũng không cần tìm thị trường tiêu thụ như trước đây.

Trong vụ xuân, nông dân các huyện như Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn đã liên kết với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sản xuất gần 90 ha lúa giống. Giá trị thu bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha và người dân không phải đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ liên kết trong sản xuất lúa giống, nhiều diện tích lúa trong tỉnh thực hiện sản xuất cánh đồng lớn (sản xuất theo phương thức cánh đồng 1 giống, áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI) đã có sự liên kết sản xuất giữa nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và chế biến sản phẩm thóc, gạo.

Tại xã Bản Xen (huyện Mường Khương), trong vụ xuân, người dân đã sản xuất 30 ha lúa Séng cù theo phương thức cánh đồng 1 giống, có liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Người dân đầu tư sản xuất, toàn bộ sản phẩm thóc tươi sẽ được Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương thu mua về sấy khô, chế biến và đóng bao bì, dán nhãn trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Theo ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen, mô hình liên kết tạo điều kiện cho nông dân trong xã ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, tuy nhiên mối liên kết này chưa thực sự bền vững do người dân thường bán thóc ra ngoài khi giá thị trường cao hơn giá cam kết ban đầu của đơn vị bao tiêu.

“Gạo Séng cù được xã lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), việc liên kết sản xuất, tiêu thụ một cách ổn định là điều tất yếu để giúp người dân có thể nâng cao giá trị thu nhập, khẳng định thương hiệu. Vì vậy, chính quyền xã thường xuyên vận động người dân mở rộng các mô hình có sự liên kết trong sản xuất và bao tiêu, tuân thủ hợp đồng, sản xuất bền vững để ổn định, phát triển kinh tế địa phương”, ông Tiến nói.

Tính bền vững trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ lúa nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung không phải là chuyện riêng của xã Bản Xen. Những năm gần đây, các mô hình liên kết sản xuất ngày càng được nhân rộng với những hiệu quả rõ rệt, tính bền vững cũng dần được cải thiện do sự phối hợp với vai trò cầu nối từ các cơ quan chuyên môn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình sản xuất lúa thuần chất lượng cao như Séng cù, LH12 có giá trị sản xuất bình quân đạt 70 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 50 - 55 triệu đồng/ha và mô hình sản xuất lúa giống lợi nhuận thu về khoảng 40 triệu đồng/ha. Các mô hình có sự liên kết đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tạo sự chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Từ hiệu quả trong liên kết sản xuất lúa vụ xuân, vụ mùa năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực vận động các doanh nghiệp có năng lực đến đầu tư, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn, đồng thời là đầu mối ký kết hợp đồng để tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, gắn trách nhiệm giữa các bên liên quan để đảm bảo thông suốt trong quá trình thực hiện từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/hieu-qua-lien-ket-san-xuat-lua-xuan-z3n20190704102133608.htm