Hiệu quả lớn từ bảo hộ giống cây trồng

Việc bảo hộ độc quyền hoặc nhận chuyển giao sản xuất đối với giống cây trồng mới có thể mang lại hiệu quả lớn cho sản phẩm nông sản của HTX nông nghiệp.

Trong khi hạt tiêu của Việt Nam khi xuất khẩu (XK) gặp tình cảnh rớt giá thê thảm trong nhiều năm liền, thì thương hiệu “tiêu Bầu Mây” của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thời gian qua được bán với mức giá khá cao.

“Tiêu Bầu Mây” cho giá cao

Điển hình như khi xuất sang thị trường Nhật Bản thì tiêu không hạt Bầu Mây đã có mức giá đến 22 triệu đồng/kg và loại tiêu đỏ hạt khi XK có giá CIF đến 100 USD/kg.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Lâm Ngọc Nhâm - Chủ tịch HĐQT HTX Bầu Mây, tự hào cho biết bản thân là “cha đẻ” của giống tiêu đỏ hạt Bầu Mây, đã được đăng ký độc quyền về nhãn hiệu.

Trước đây, khi trồng rất nhiều giống tiêu, ông Nhâm phát hiện ra một cây tiêu có sự khác biệt hơn so với các cây tiêu khác. Nó khỏe hơn, năm nào cũng cho năng suất cao và ổn định.

Từ đó, ông Nhâm quyết định cắt cây tiêu này ra để làm giống và thấy rằng nó có bộ rễ khỏe hơn so với các cây tiêu khác. Qua theo dõi, ông phát hiện hàm lượng dinh dưỡng của hạt tiêu trên giống cây trên cũng cao hơn rất nhiều so với hạt tiêu thông thường.

“Giống tiêu này có hạt tiêu đen, để chín thì sẽ đỏ, nhưng làm cách nào để giữ được vỏ nguyên đỏ thì tôi cũng đã làm được điều đó. Tức là giữ nguyên vẹn tất cả trong hạt đều đỏ và lại được mệnh danh là hạt tiêu nặng nhất so với giống tiêu thông thường”, ông Nhâm nói về giống tiêu đỏ hạt mà ông đã làm được.

Nhờ vào sự sáng tạo và sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ (SHTT), bảo hộ nhãn hiệu, giá trị của “Tiêu Bầu Mây” được cho là gấp 200 lần so với hạt tiêu thông thường.

Các đối tác từ Nhật Bản khi đến HTX để đặt hàng cũng đặt ra những câu hỏi là “tại sao HTX Bầu Mây lại có thể làm được những hạt tiêu đặc biệt như thế này?”.

Khi ấy, vị Chủ tịch HĐQT HTX đã trả lời rằng: “Đấy là một trong những bí quyết của HTX để sản xuất ra những sản phẩm này và tôi sẽ chỉ truyền bí quyết cho con cháu của mình”.

Có thể nói, giá trị hiệu quả từ việc bảo hộ độc quyền nhãn hiệu giống tiêu của HTX Bầu Mây là điều nhận thấy rõ. Trong việc bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam hiện nay, theo Thạc sĩ Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT), bảo hộ giống cây trồng là một dạng SHTT, chủ sở hữu quyền có quyền được độc quyền khai thác giống. Và việc bảo hộ giống cây trồng có những đặc thù riêng so với các dạng SHTT khác.

Nói về chu kỳ sáng tạo trí tuệ trong chọn giống, ông Tùng cho biết bắt đầu từ việc sáng tạo ra giống mới, tiếp đến là bảo hộ công nhận giống, rồi sau đó khai thác quyền và tác giả thu bản quyền.

Ông Lâm Ngọc Nhâm với sản phẩm tiêu không hạt của HTX Bầu Mây

Ông Lâm Ngọc Nhâm với sản phẩm tiêu không hạt của HTX Bầu Mây

Lo xâm phạm bản quyền

Theo ông Tùng, giống cây trồng được coi là mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống đó chưa được tác giả hoặc người được tác giả cho phép bán hoặc phân phối trên thị trường nhằm khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn hơn 1 năm, ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn 6 năm với cây thân gỗ, cây leo thân gỗ và 4 năm với cây khác.

Hơn nữa, giống cây trồng được xem là khác biệt nếu giống đó có khả năng phân biệt rõ ràng với giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn đăng ký.

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là hành vi xâm phạm bản quyền giống cây trồng. Đơn cử như khi không được phép chủ sở hữu bằng bảo hộ nhưng vẫn có người sản xuất hoặc nhân giống, chế biến để nhân giống rồi chào hàng, xuất khẩu.

Ngoài ra, còn có vấn đề sử dụng tên giống trùng hoặc tương tự tên giống được bảo hộ. Hoặc là việc sử dụng, khai thác giống thời gian bảo hộ tạm thời mà không trả tiền đền bù khi được yêu cầu.

Như hồi năm ngoái, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), đã gửi đơn đề xuất Bộ NN&PTNT và Cục Hải quan Tp.HCM giám sát tình trạng xâm hại quyền SHTT đối với giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Bởi vì loại giống này công ty đã nhận chuyển giao bản quyền từ Viện Cây ăn quả miền Nam với giá 5 tỷ đồng, thời hạn bảo hộ đến năm 2037.

Theo ông Huy, có khá nhiều trường hợp lạm dụng giống thanh long ruột đỏ LĐ1 để XK mà không thông qua phía công ty sở hữu bản quyền giống trái cây này dẫn đến việc xuất khẩu với mức giá thấp, không đúng chất lượng sản phẩm mà công ty đưa ra.

Một vấn đề được đặt ra là liệu việc bảo hộ giống cây trồng mới làm giá giống có thể cao hơn khiến cho HTX nông nghiệp thuộc dạng nhỏ khó có thể tham gia “cuộc chơi”.

Giới chuyên gia cho rằng để khai thác giống cây trồng mới hiệu quả hơn thì điều quan trọng là các HTX cần thương lượng với chủ sở hữu về giống cây trồng mới đã được bảo hộ để nhận chuyển giao sản xuất và trả tiền bản quyền cho họ để sản xuất.

Riêng với người nông dân trong vấn đề này, theo Gs.Ts Võ Tòng Xuân, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nói đến SHTT trong nông nghiệp thì trước đây khi làm ra giống mới mà được người nông dân sử dụng là hết sức mừng và không có đòi tiền. Bởi lẽ người nông dân rất nghèo.

Nếu như đòi tiền thì người nông dân không có tiền để mua bản quyền và tiêu diệt khả năng đóng góp gia tăng năng suất sản lượng. Đây cũng là bài toán hóc búa trong việc SHTT với giống cây trồng hiện nay.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/hieu-qua-lon-tu-bao-ho-giong-cay-trong-1062712.html