Hiệu quả lớn từ việc triển khai quyết liệt giải pháp quản lý thuế, kiểm soát chặt nguồn thu

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS.TS Lý Phương Duyên - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai và giải quyết các phát sinh khi thực hiện quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử; chuyển nhượng bất động sản…, Đặc biệt, tăng cường hoàn thiện việc thực hiện đồng bộ hóa mã số thuế và căn cước công dân theo Quyết định số 06/QĐ-TTg để các biện pháp quản lý thuận lợi hơn, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã sử dụng tăng mạnh. Ảnh tư liệu

Số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã sử dụng tăng mạnh. Ảnh tư liệu

PV: Theo Tổng cục Thuế, tính đến nay, đã có 101 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế; 383 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin trên Cổng thông tin thương mại điện tử; 69.353 cơ sở kinh doanh đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Bà đánh giá thế nào về nỗ lực của cơ quan thuế trong quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Thành công trong quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử đã thể hiện sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch tổng thể, chi tiết thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”. Theo đó, đã có những chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ và phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Các nhà cung cấp nước ngoài, doanh nghiệp cung cấp sàn giao dịch, tổ chức và đặc biệt là các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, còn có những hỗ trợ tích cực của cơ quan thuế, thông qua việc cho phép các nhà cung cấp nước ngoài kê khai thuế trực tiếp trên mạng qua Cổng thông tin điện tử dành cho các nhà cung cấp nước ngoài được vận hành từ tháng 3/2022. Đồng thời, có các biện pháp xử phạt quyết liệt và nghiêm minh. Trong đó, việc thống nhất mã số thuế và căn cước công dân là một cơ sở để nhận diện được đối tượng vi phạm một cách chính xác hơn và xử phạt được đúng người, đúng việc, có tính hiệu lực cao.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số

Theo PGS.TS Lý Phương Duyên, thời gian tới, ngành Thuế cần có biện pháp kiểm soát và quản lý các đối tượng sử dụng các nền tảng số để thiết lập các nhóm kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh và không nộp thuế. Phát hiện, đấu tranh xử lý các trường hợp kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh...

Nhờ vậy, theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử 6 tháng đầu năm 2024 là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giúp hạn chế được tình trạng trốn thuế, trốn doanh thu và đảm bảo công bằng cho đối tượng nộp thuế. Công tác này bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, tính trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có thêm 28.999 cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 71,9% so với cuối năm 2023. Số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đã sử dụng là 542,36 triệu hóa đơn, gấp 5,2 lần so với cả năm 2023, cho thấy tình hình sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đang chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

PV: Trong thời gian ngắn, ngành Thuế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành áp dụng xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán xăng dầu, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương. Giải pháp này có ý nghĩa thế nào đối với hoạt động quản lý thuế kinh doanh xăng dầu, thưa bà?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Đây thực sự là dấu ấn nổi bật của cơ quan quản lý thuế. Việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng có tác động đối với cả 3 bên trong nền kinh tế: Đối với cơ quan quản lý, giúp giám sát được doanh số của các đơn vị kinh doanh, tránh thất thoát số thu và tránh các hiện tượng trốn lậu trong việc mua bán hóa đơn đầu vào; đối với người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi khi mua xăng có nguồn gốc và đã được giám sát; đối với người nộp thuế, giúp giảm bớt việc kê khai báo cáo sử dụng hóa đơn và giảm được rủi ro do xuất hóa đơn sai thời điểm, do tính chất đặc thù của việc cung cấp xăng dầu, đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng cho đối tượng nộp thuế.

Mặc dù vẫn còn một số phát sinh về việc đầu tư hạ tầng và kết nối hệ thống nhưng theo tôi, vấn đề này sẽ được xử lý, giải quyết sớm và việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn.

PV: Bên cạnh các giải pháp trên, thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai quản lý chặt hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, qua đó góp phần tăng thu ngân sách. Bà nhìn nhận thế nào về hoạt động này?

PGS.TS Lý Phương Duyên: Tôi cho rằng quản lý chặt hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản là một nỗ lực rất lớn của ngành Thuế, góp phần tăng thu cho ngân sách và tạo sự minh bạch, bình đẳng cho các đối tượng nộp thuế. Cơ quan thuế cũng đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt, vừa tuyên truyền hỗ trợ, vừa đấu tranh để người nộp thuế có thể khai giá bán phù hợp với thực tế hơn.

Mặc dù việc quản lý đối với việc chuyển nhượng chung cư có nhiều thuận lợi hơn do có cơ sở dữ liệu về giá chuyển nhượng, nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu về giá chuyển nhượng, đặc biệt là đối với nhà đất chưa đầy đủ, giá đất lại có tính đặc thù là thay đổi thường xuyên nên rất khó quản lý. Theo đó, việc áp dụng công nghệ thông tin và dữ liệu để quản lý và thu thuế đối với bất động sản cũng là giải pháp hiệu quả trong giải quyết các thách thức của chính sách thuế đối với bất động sản.

PV: Xin cảm ơn bà!

Đưa hàng hóa dịch vụ, giao dịch mới phát sinh vào diện quản lý thuế

Theo PGS.TS Lý Phương Duyên, mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng nhìn chung, nền kinh tế - xã hội trong nước thời gian tới vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các biện pháp mà Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra là kịp thời, đúng đắn và phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như giảm thuế giá trị gia tăng 2% là một trong những giải pháp có tính chất nuôi dưỡng nguồn thu khá hiệu quả, nhận được sự đồng tình của nhiều đối tượng trong xã hội.

Để chống thất thu, góp phần hoàn thành dự toán thu NSNN 2024, trong thời gian tới, Bộ Tài chính và ngành Thuế cần đẩy mạnh 3 nhóm giải pháp: Tiếp tục phát huy những thành công mà các giải pháp đã và đang áp dụng; có chính sách hỗ trợ người nộp thuế, nuôi dưỡng nguồn thu; nghiên cứu để mở rộng cơ sở thuế, đưa các hàng hóa dịch vụ, các giao dịch mới phát sinh vào diện quản lý thuế để tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh triển khai và giải quyết các phát sinh khi thực hiện quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh xăng dầu, kinh doanh của hộ cá nhân và kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển nhượng bất động sản như đã triển khai và áp dụng…

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hieu-qua-lon-tu-viec-trien-khai-quyet-liet-giai-phap-quan-ly-thue-kiem-soat-chat-nguon-thu-154955.html