Hiệu quả Mô hình Cổ phần tài chính tự quản
Thông qua Mô hình Cổ phần tài chính tự quản (VSLA), nhiều chị em phụ nữ Di Linh có thêm nguồn vốn để chủ động phát triển kinh tế. Khác với các hình thức tài chính thông thường, mô hình huy động nguồn vốn từ chính các thành viên tham gia thông qua việc mua cổ phần và cho các hội viên có nhu cầu vay, có thể tự chủ nguồn vốn, giảm thiểu rủi ro của tín dụng đen.
Chồng mất sớm, chị Lương Thị Đoàn (53 tuổi) - hội viên phụ nữ Thôn 8 (xã Gia Hiệp) trở thành trụ cột gia đình. Để đảm bảo cuộc sống cho các con và gia đình, chị vay hơn 13 triệu đồng từ Tổ cổ phần tài chính tự quản của phụ nữ thôn để mở rộng chăn nuôi. “Nhờ số tiền này, gia đình mua thêm 2 con heo nái và 16 heo con để tăng đàn, phát triển chăn nuôi” - chị Đoàn chia sẻ. Đến nay, gia đình chị đã có được thu nhập và đời sống ổn định nhờ đàn heo thịt phát triển khỏe mạnh và mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm.
Tương tự, chị Phạm Thị Vòng (58 tuổi, Thôn 1, xã Gia Hiệp) cũng nhờ số tiền 8 triệu đồng từ nguồn vay cổ phần tài chính mà đến nay góp phần ổn định kinh tế gia đình nhờ đầu tư nuôi chim cút, trồng sầu riêng và chuối laba.
Chị Vòng và chị Đoàn là hai trong số rất nhiều hội viên phụ nữ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn VSLA. Bà Nguyễn Thị Hoa Lư - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Hiệp cho biết, sau khi được tập huấn và hỗ trợ cách vận hành mô hình, từ đầu năm 2021, Hội đã triển khai Mô hình VSLA với 5 tổ gồm: Thôn 1, Thôn 3, Thôn 7, Thôn 8 và Thôn Phú Hiệp 2. Theo chị Lư, nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của mô hình, các chị em đều chủ động và tích cực tham gia, số hội viên tăng lên không ngừng. Từ 125 hội viên năm 2021, đến năm 2022 đã tăng lên 142 hội viên; trong đó có 45 hội viên là đồng bào DTTS.
Theo đó, với giá cổ phần do các tổ định sẵn, hội viên được mua tối đa 5 cổ phần mỗi tháng, lãi suất vay sẽ được cộng gộp vào quỹ để mở rộng nguồn vốn giúp cho nhiều chị em có thêm cơ hội vay hơn. Ngoài ra, Mô hình VSLA còn duy trì một quỹ tương trợ “10 nghìn đồng mỗi tháng để giúp đỡ cho hội viên phụ nữ khi khó khăn, ốm đau; nhờ đó, các hội viên càng thêm đoàn kết và tương trợ lẫn nhau” - bà Lư cho biết. Đặc biệt, hội viên tham gia Mô hình VSLA đều sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử Tizo và phần mềm quản lý VSLA để tra cứu thông tin vay, lãi suất, số tiền phải trả… Điều này giúp minh bạch thông tin và thuận tiện cho nhiều đối tượng, trình độ học vấn khác nhau.
Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình, bà Hà Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Di Linh cho biết, sau gần 2 năm triển khai, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp chị em có nguồn vốn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Di Linh là một trong bốn huyện thí điểm Mô hình VSLA; hiện tại, mô hình được triển khai tại thị trấn Di Linh và xã Gia Hiệp với 12 tổ cổ phần tài chính tự quản. Riêng trong quý 1 năm 2022, đã có gần 300 thành viên tham gia đóng cổ phần (mỗi cổ phần có mệnh giá từ 50.000 đến 200.000 đồng) với số tiền gần 600 triệu đồng, giúp cho 87 chị vay với lãi suất 1% mỗi tháng.
Theo bà Linh, mọi hoạt động của các tổ cổ phần tài chính đều được công khai, minh bạch; nhờ đó, tránh được các rủi ro của những hình thức góp quỹ, vay vốn nhỏ lẻ, tự phát khác; nhất là tránh được tình trạng vay tín dụng đen. Mặt khác, thông qua hoạt động của các nhóm VSLA, các thành viên tạo dựng được thói quen tiết kiệm, tăng tinh thần đoàn kết và sự tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động của Hội, của thôn, xóm.
Tuy nhiên, sau thời gian triển khai mô hình, Hội Phụ nữ huyện Di Linh cũng nhận thấy một số bất cập nhất định. “Rõ ràng nhất vẫn còn một số chị em vùng sâu, vùng xa chưa có điện thoại thông minh, không thể sử dụng phần mềm tài chính.Thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện sẽ xem xét, tính toán đến giải pháp để mọi chị em phụ nữ đều có thể tham gia”, bà Linh cho hay. Cùng với đó, trước những lợi ích mà mô hình đem lại, Hội dự định sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình VSLA đến các xã Bảo Thuận, Hòa Nam, tập trung hướng tới các chị em đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức, đời sống của bà con nơi đây.
Cổ phần tài chính tự quản (VSLA) là một hình thức tiết kiệm và cho vay do chính các thành viên tham gia xây dựng và quản lý. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại. VSLA còn duy trì một quỹ tương hỗ để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp khó khăn và khẩn cấp. VSLA được xây dựng bởi tổ chức CARE Quốc tế tại Nigeria năm 1991. Cho tới nay, mô hình đã đem lại nhiều tác động tích cực trong xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế của phụ nữ. Mô hình hiện đã được nhân rộng tại rất nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ La Tinh.