Hiệu quả mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, trong nhiều năm nay, nông dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để thích ứng. Trong đó, phải kể đến mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân có thêm thu nhập mà không phải lo thiếu nước sản xuất.

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân, thay vì làm đất tiếp tục gieo sạ lại vụ lúa mới thì nhiều nông dân tại xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) lại chọn phát triển mô hình sản xuất đưa màu xuống chân ruộng. Theo ông Huỳnh Út, ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, sau Tết mà trồng lúa thì rủi ro rất cao vì khả năng bị xâm nhập mặn, dẫn đến thiếu nước tưới. Do vậy, ông chọn trồng 5 công dưa hấu vì dưa dễ chăm sóc, thời gian cho thu hoạch ngắn và đặc biệt không cần quá nhiều nước ngọt để tưới tiêu. Nhờ có kinh nghiệm và chăm sóc kỹ lưỡng, ruộng dưa của ông Út phát triển rất tốt. Ông Út cho biết: “Hiện thương lái mua với mức giá 6.000 đồng/kg đối với dưa loại 1. Sau khi thu hoạch hơn 25 tấn dưa, tôi bán hơn 90 triệu đồng, thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng chỉ sau hơn 2 tháng”.

Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phấn khởi khi dưa hấu được mùa, có giá nhờ mô hình sản xuất đưa cây màu xuống chân ruộng. Ảnh: HOÀNG LAN

Nông dân xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phấn khởi khi dưa hấu được mùa, có giá nhờ mô hình sản xuất đưa cây màu xuống chân ruộng. Ảnh: HOÀNG LAN

Đồng quan điểm với ông Huỳnh Út, ông Tô Thanh Thượng, ấp Rạch Sên cho rằng, vào mùa nắng mà trồng lúa thì lo lắng trăm bề vì xâm nhập mặn hiện hữu; đồng thời các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã khuyến cáo và vận động nông dân không nên làm lúa vụ 3 mà chọn trồng cây màu phù hợp. Vì vậy, trong mấy năm nay, năm nào ông Tô Thanh Thượng cũng chọn trồng dưa hấu. “Dưa hấu mà trồng trong mùa nắng trái sẽ ngọt hơn và nếu được chăm sóc tốt thì sản lượng đạt khá cao. Với 4 công dưa hấu, sau 2 tháng ra công chăm sóc, gia đình tôi thu hoạch hơn 20 tấn, lợi nhuận cao hơn so với dự tính ban đầu và cao hơn so với trồng lúa rất nhiều”, ông Tô Thanh Thượng vui mừng cho biết.

Theo đồng chí Trương Văn Tửng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, hằng năm đến mùa khô thì lượng nước ngọt tại các kênh thủy lợi sụt giảm rất nhiều, thậm chí bị xâm nhập mặn, không đáp ứng cho việc sản xuất lúa nên địa phương vận động nông dân chuyển đổi qua cây trồng ngắn ngày. Hiện toàn xã có 110ha trồng màu, trong đó chủ lực là dưa hấu. So với mọi năm, năm nay dưa hấu có giá tốt nên bà con có thêm nguồn thu nhập khá từ việc trồng màu sau vụ lúa Đông - Xuân. Để đủ nước tưới tiêu cho cây màu, thời gian qua xã Thạnh Phú tập trung nạo vét các con kênh thủy lợi trên địa bàn xã để người dân yên tâm, không lo thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất.

Lãnh đạo huyện, xã Thạnh Quới tham quan mô hình trồng đậu bắp tại ấp Ngọn, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Lãnh đạo huyện, xã Thạnh Quới tham quan mô hình trồng đậu bắp tại ấp Ngọn, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Nhiều nông dân tại xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên) chọn phát triển mô hình đưa màu xuống chân ruộng sau vụ lúa Đông - Xuân. Theo anh Thạch Thương, ấp Ngọn, xã Thạnh Quới, năm nay anh chọn trồng đậu bắp dù lợi nhuận không cao bằng trồng dưa hấu nhưng chi phí đầu tư thấp lại nhẹ công chăm sóc và cho thu hoạch kéo dài trong suốt 3 tháng. Anh Thương cho biết, hiện mỗi ngày anh thu hoạch mười mấy ký đậu bắp với giá bán 8.000 đồng/kg, nhờ đó gia đình cũng có đồng vô đồng ra trước khi bước vào vụ lúa mới.

“Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với mùa khô, năm nay nông dân xã Thạnh Quới tập trung trồng các loại cây màu ngắn hạn như: dưa hấu, đậu bắp, bầu, bí… So với mọi năm, giá dưa hấu, rau, củ, quả năm nay ổn định nên nông dân có lợi nhuận nhiều hơn”, đồng chí Lâm Hal - Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới thông tin.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mỹ Xuyên, mô hình sản xuất đưa cây màu xuống chân ruộng đã được địa phương triển khai thực hiện trong nhiều năm nay. Hằng năm, để đảm bảo nguồn nước phục vụ việc tưới tiêu hoa màu của nông dân, địa phương đều tiến hành nạo vét các kênh thủy lợi nhằm trữ nước ngọt để bà con yên tâm sản xuất. Tính đến nay, toàn huyện Mỹ Xuyên đã đưa màu xuống chân ruộng với diện tích khoảng 150ha, chủ yếu trồng dưa hấu, dưa leo, bầu, bí, đậu bắp... Việc trồng màu đã giúp nhiều nông dân có nguồn thu nhập ổn định trong mùa khô, đồng thời giúp địa phương thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202504/hieu-qua-mo-hinh-dua-cay-mau-xuong-chan-ruong-c80469b/