Hiệu quả mô hình hỗ trợ nuôi bò để giảm nghèo
Với phương châm
Với phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”, những năm qua, triển khai dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh đã có sinh kế lâu dài, từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả từ những mô hình
Năm 2017, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) là một trong số các địa phương đầu tiên được Sở LĐ-TB và XH chọn thực hiện mô hình hỗ trợ nuôi bò giảm nghèo với tổng kinh phí 608 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng và vốn đối ứng do các hộ nghèo tham gia dự án đóng góp 108 triệu đồng. Đồng chí Nguyễn Viết Sự, Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết: Triển khai dự án, UBND xã Hồng Thuận đã thành lập Ban điều hành dự án nhân rộng mô hình hỗ trợ giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản”. Nội dung, mục đích, yêu cầu của dự án được phổ biến đến toàn thể nhân dân các thôn, xóm. Qua bình xét công khai, dân chủ, các thôn lựa chọn 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện về lao động tham gia dự án. Mỗi hộ được hỗ trợ mua 1 con bê cái giống sinh sản; số bê giống này do các hộ dân tự chọn nên đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu. Các hộ còn được hỗ trợ kinh phí làm chuồng, mua thức ăn, thuốc thú y, vật tư, công cụ phát triển chăn nuôi, đồng thời được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho bò. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá, mô hình hỗ trợ giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Hồng Thuận cơ bản đạt hiệu quả mục tiêu dự án. Các hộ tham gia dự án cho thu nhập thêm mỗi năm sau khi trừ chi phí khoảng 10-12 triệu đồng. Từ mô hình thành công ở xã Hồng Thuận, năm 2018, Sở LĐ-TB và XH, Sở NN và PTNT phối hợp xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch nhân rộng mô hình. Có thêm 5 xã của 4 huyện: Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên với 110 hộ gia đình được thụ hưởng dự án. Năm 2019, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại 7 xã ở 6 huyện gồm: Giao Thủy, Mỹ Lộc, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Xuân Trường với 80 hộ gia đình được thụ hưởng Dự án. Riêng số bê khởi nuôi ban đầu của mỗi hộ tham gia mô hình Dự án và hình thức thu hồi vốn có điều chỉnh thay đổi so với năm trước. Số bê khởi nuôi ban đầu của mỗi hộ được điều chỉnh từ “1 con bê cái giống” thành “1-2 con bê cái giống”. Quy định về thu hồi vốn được điều chỉnh từ “hộ gia đình tham gia mô hình hoàn trả lại Dự án 1 con bê cái giống, có giá tương đương với số tiền hộ gia đình đã được Dự án tạm ứng”, thành “hộ gia đình tham gia mô hình hoàn trả lại Dự án số tiền đã tạm ứng để mua bê giống”. Ban quản lý Dự án xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo, trình UBND cấp huyện phê duyệt, sử dụng nguồn kinh phí đã thu hồi để thực hiện. Theo ông Phạm Đức Chính, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH: Việc nhân rộng mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” ở trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được thành công nhất định, đó là xây dựng được mô hình giảm nghèo có hiệu quả; Hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hướng phát triển kinh tế lâu bền. Mặt khác, qua thực hiện mô hình đã nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân nghèo.
Tiếp tục triển khai “đòn bẩy” thoát nghèo
Mô hình hỗ trợ giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản” là một trong những “đòn bẩy” đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của toàn tỉnh. Năm 2020, căn cứ đề xuất đăng ký nhân rộng mô hình giảm nghèo của các địa phương, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Sở NN và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 15-10-2020 thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mục tiêu Kế hoạch 92 của UBND tỉnh nhằm hỗ trợ hơn 180 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản và đan cói... tạo điều kiện cho người nghèo tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Để đảm bảo tính hiệu quả dự án, công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng, chống, xử lý dịch bệnh và kỹ thuật xây dựng chuồng trại được phổ cập đến từng gia đình tham gia dự án. Theo đó, Ban quản lý Dự án của xã phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH tổ chức tập huấn tại địa bàn thực hiện dự án; thuê chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành, cung cấp tài liệu và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Bên cạnh đó, Ban quản lý Dự án của các địa phương tổ chức cho những hộ gia đình đi thực tế, học tập các dự án, mô hình có hiệu quả giữa các địa phương. Các gia đình tham gia dự án tận dụng các công trình hiện có cải tạo thành chuồng nuôi bò; phù hợp với điều kiện thực tế hộ gia đình và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật chuồng nuôi bò sinh sản. Liên hệ thường xuyên với cán bộ thú y xã để biết lịch tiêm phòng gia súc, chủ động cho bê, bò đi tiêm phòng dịch bệnh theo kế hoạch của xã. Trường hợp bò chết hoặc sau phối giống bò không sinh sản được, hộ gia đình cần báo cáo, phản ánh kịp thời về Ban quản lý dự án để xem xét, giải quyết... Sau khi kết thúc Dự án, UBND các xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị tổng kết nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả Dự án, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó tiến hành nghiệm thu Dự án để tiếp tục chỉ đạo các hộ từng bước mở rộng quy mô sản xuất làm cơ sở nhân rộng mô hình, dự án trên địa bàn trong những năm tiếp theo. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, triển khai thực hiện Kế hoạch số 92/KH-UBND năm 2020, toàn tỉnh có 9 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, theo đề xuất của Phòng LĐ-TB và XH 3 huyện: Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên. Trong đó 8 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản” tại các xã: Yên Cường và Yên Phúc (Ý Yên); Nghĩa Hùng và Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng), Kim Thái, Minh Thuận, Minh Tân và Tân Khánh (Vụ Bản). Đến nay đã có 8 xã xây dựng Dự án nhân rộng mô hình theo Kế hoạch số 92/KH-UBND của UBND tỉnh.
Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản”, thời gian tới để mô hình đạt hiệu quả như đề ra, các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn tiếp tục quan tâm sát sao việc tổ chức thực hiện dự án. Các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, phổ biến nội dung hoạt động của dự án đến người dân để hiểu rõ và phối hợp tham gia tổ chức thực hiện tốt. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ tham gia quản lý dự án và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời./.
Bài và ảnh: Viết Dư