Hiệu quả mô hình kết nghĩa cụm cư dân biên giới

Với đặc thù là tỉnh biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, tỉnh ta luôn vun đắp và giữ gìn mối quan hệ truyền thống, gắn bó giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là cư dân biên giới với nhân dân nước láng giềng thông qua nhiều mô hình và hoạt động thiết thực, trong đó nổi bật là mô hình kết nghĩa giữa các cụm cư dân biên giới hai bên.

Ký kết nghĩa giữa các xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ (Mèo Vạc) và trấn Điền Bồng, Phú Ninh (Trung Quốc). (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Ký kết nghĩa giữa các xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ (Mèo Vạc) và trấn Điền Bồng, Phú Ninh (Trung Quốc). (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Tính đến nay, tỉnh ta đã tổ chức cho 3 huyện biên giới kết nghĩa với 3 huyện phía Trung Quốc, gồm: Xín Mần (Hà Giang) - Mã Quan (Vân Nam), Mèo Vạc - Phú Ninh (Vân Nam), Mèo Vạc - Nà Pô (Quảng Tây); tổ chức thành công 14 cụm cho 34/34 xã, thị trấn biên giới kết nghĩa hữu nghị với 11 hương/trấn của phía Trung Quốc gồm: Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ (Mèo Vạc) với trấn Điền Bồng (Phú Ninh); thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) với trấn Điền Bồng (Phú Ninh); thị trấn Phố Bảng, xã Phố Là, Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Cú (Đồng Văn) với trấn Đổng Cán (Malypho); Na Khê, Bạch Đích, Phú Lũng, Thắng Mố (Yên Minh) với hương Giảng Vản (Malypho); Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn (Quản Bạ) với hương Bát Bố (Malypho); Tùng Vài, Cao Mã Pờ (Quản Bạ) với hương Hạ Kim Xưởng (Malypho); Tả Ván (Quản Bạ) với trấn Thiên Bảo (Malypho); Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức (Vị Xuyên) với trấn Thiên Bảo (Malypho); Xín Chải, Lao Chải (Vị Xuyên) với hương Múng Tủng (Malypho); Chí Cà, Pà Vầy Sủ (Xín Mần) với trấn Kim Xưởng (Mã Quan); Nàn Xỉn, Xín Mần (Xín Mần) với trấn Đô Long (Mã Quan); Bản Máy (Hoàng Su Phì) với trấn Đô Long (Mã Quan); Thàng Tín, Pố Lồ, Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì) với hương Múng Tủng (Malypho); Sơn Vĩ (Mèo Vạc) và hương Bách Tỉnh, Bách Đô (Nà Pô).

Theo nội dung ký kết, hai bên sẽ cùng nhau tuyên truyền, giáo dục nhân dân xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị và truyền thống tốt đẹp của các thân tộc, dòng họ vốn có từ lâu đời. Thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn; cùng bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục thiên tai, phòng, chống cháy rừng và dịch bệnh. Thường xuyên giao lưu, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục nhân dân hai bên chấp hành nghiêm 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; không tham gia và tiếp tay cho các loại tội phạm qua biên giới. Phối hợp triển khai thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới đã ký giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam và thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, tạo điều kiện cho cư dân biên giới giao lưu, làm ăn, mua bán, trao đổi hàng hóa hợp pháp…

Từ sau khi ký kết nghĩa, các xã/hương/trấn biên giới hai bên đã chủ động, triển khai các nội dung đã ký, thu được nhiều kết quả tích cực, như: Cùng nhau tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa của việc ký kết nghĩa, tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; gửi thư thăm hỏi nhân các dịp lễ Tết, mời nhau tham dự các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của phía mình; phối hợp tốt trong công tác trao đổi thông tin tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm qua biên giới. Do đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới cơ bản được duy trì ổn định, hệ thống đường biên, mốc giới được giữ nguyên trạng; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, nổi bật như các xã biên giới của huyện Yên Minh và huyện Xín Mần đã tổ chức giao lưu bóng chuyền nhân các dịp lễ, Tết với các hương/trấn đối đẳng của huyện Malypho và huyện Mã Quan. Đặc biệt, nhân dân hai bên còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, như giúp đỡ nhau về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp nhau trong tiêu thụ sản phẩm… Từ năm 2014 đến nay, tỉnh ta đã đưa được hơn 2.000 lượt lao động là cư dân các huyện biên giới sang làm việc theo thỏa thuận tại các huyện biên giới của châu Văn Sơn, góp phần giảm thiểu số lượng lao động tự do, lao động thời vụ tại khu vực biên giới hai bên, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Có thể nói, mô hình kết nghĩa giữa cụm cư dân biên giới là mô hình thiết thực, hiệu quả, sáng tạo và là điểm sáng trong công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh Hà Giang. Mô hình này không những vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa cư dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Mỹ Diệu (Sở Ngoại vụ)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202105/hieu-qua-mo-hinh-ket-nghia-cum-cu-dan-bien-gioi-776627/