Hiệu quả mô hình 'Nhóm liên gia tự quản' về ANTT
Sau 10 năm triển khai thực hiện mô hình 'Nhóm liên gia tự quản' (Nhóm LGTQ) về an ninh trật tự (ANTT) (2009-2019), cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc xây dựng và duy trì hoạt động mô hình 'Nhóm LGTQ' về ANTT, đã thúc đẩy phong trào 'Toàn dân bảo vệ ANTQ', giải quyết hiệu quả các vấn đề về ANTT, từng bước giảm tội phạm và tệ nạn xã hội.
Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường, các cơ quan đơn vị, trung tâm truyền thông - Văn hóa các huyện, thành phố tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích xây dựng “Nhóm LGTQ” về ANTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp dân, trên hệ thống loa truyền thanh. Qua đó, đại bộ phận cán bộ, nhân dân trong tỉnh nắm được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình “Nhóm LGTQ”, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của nhóm; hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an cơ sở trong công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải. UBND tỉnh cũng đã tổ chức Liên hoan các “Nhóm LGTQ” về ANTT giỏi lần thứ nhất năm 2019, nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, vận động, xây dựng và duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các “Nhóm LGTQ”; giới thiệu, tuyên truyền về hiệu quả mô hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn tỉnh. Với vai trò thường trực, Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Sổ tay hoạt động của “Nhóm LGTQ” về ANTT; tập huấn, trang bị những kiến thức cơ bản cho các nhóm trưởng, nhóm phó; lực lượng cảnh sát khu vực, công an phụ trách xã, công an viên thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cách thức, nội dung sinh hoạt nhóm; hướng dẫn nhóm trưởng, nhóm phó cách tiếp cận giải quyết các vụ việc, quản lý, theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Phát huy vai trò các “Nhóm liên gia tự quản” đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thành viên trong nhóm chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy ước, hương ước của địa phương; tích cực phát giác, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Tham gia quản lý giáo dục người lầm lỡ tại cộng đồng, quản lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, người đã chấp hành xong án phạt tù ở các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương... Trong 10 năm, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động 17.891 nhóm LGTQ tại 100% tổ, bản, tiểu khu, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn 204 xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố. Các nhóm LGTQ đã cung cấp 6.861 tin có liên quan đến ANTT; phối hợp, bắt giữ 504 vụ, việc; hòa giải 650 vụ; quản lý, theo dõi, giúp đỡ 2.987 người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Hoạt động của các nhóm LGTQ còn góp phần quan trọng trong việc chuyển hóa 42/42 địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Đến nay, đã có 89% số xã, phường, thị trấn; trên 90% số cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT; 167/188 xã đạt tiêu chí về ANTT trong thực hiện xây dựng nông thôn mới...
Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho các nhóm LGTQ mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động, các hộ gia đình trong các nhóm còn tự nguyện đóng góp gây quỹ hoạt động để giúp đỡ nhau khi khó khăn, ốm đau, liên hoan gặp mặt dịp lễ, tết và khi cần giải quyết công việc chung của nhóm. Tiêu biểu là xã Phiêng Khoài (Yên Châu) với số tiền quỹ đạt trên 1 tỷ đồng; tổ dân phố 7, 9, thị trấn Sông Mã (Sông Mã) gây quỹ được 100 triệu đồng... Nhiều “Nhóm LGTQ” hoạt động hiệu quả, như: “Nhóm LGTQ” số 2, bản Bó Ẩn, phường Chiềng Cơi (Thành phố); “Nhóm LGTQ” số 4, bản Mạt, xã Mường Lèo (Sốp Cộp); “Nhóm LGTQ” số 5, bản Mé, xã Thôm Mòn (Thuận Châu)... Những cá nhân điển hình tiên tiến, tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như các ông: Lèo Văn Mòn, nhóm trưởng “Nhóm LGTQ” số 3 bản Dầu, xã Chiềng Cọ (Thành phố); Lò Văn Inh, nhóm trưởng “Nhóm LGTQ” tiểu khu Mé Lìu, thị trấn Ít Ong (Mường La); Nguyễn Công Viên, nhóm trưởng “Nhóm LGTQ” số 1, tiểu khu 14, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn)...
Qua 10 năm triển khai thực hiện mô hình “Nhóm LGTQ” về ANTT trên địa bàn toàn tỉnh, có thể khẳng định đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực bảo vệ ANTT, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống, đạo đức, tổ chức các hoạt động xã hội tình nghĩa, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới; tham gia quản lý người sau cai nghiện, người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.