Hiệu quả mô hình Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản ở Hướng Hóa

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hướng Hóa triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hội viên, đặc biệt là chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong đó, mô hình Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản được đánh giá là cách giúp phụ nữ vùng khó làm ăn phù hợp, hiệu quả nhất.

 Nhờ nguồn quỹ Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản, nhiều chị em vùng khó có điều kiện phát triển sản xuất - Ảnh: N.T

Nhờ nguồn quỹ Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản, nhiều chị em vùng khó có điều kiện phát triển sản xuất - Ảnh: N.T

Xã Lìa là một trong những địa phương đầu tiên ở huyện Hướng Hóa xây dựng mô hình Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản. Lúc mới đi vào hoạt động, xã chỉ có 5 - 6 nhóm, số vốn tiết kiệm rất ít. Qua tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tận tình của cán bộ hội phụ nữ xã, chị em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây dần nắm bắt được mục đích, quy trình hoạt động cũng như lợi ích mà mô hình mang lại nên tham gia đông hơn. Nhờ vậy, nguồn vốn tiết kiệm ở các nhóm ngày càng tăng, giúp nhiều hội viên phụ nữ có điều kiện mở rộng chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập gia đình. Đến nay, 100% thôn bản ở xã Lìa đều đã thành lập Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản với 100% hội viên phụ nữ tham gia. Chị Hồ Thị Thiết, Chủ tịch Hội LHPN xã Lìa cho biết: “Tham gia Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản đa số chị em đều được vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng rừng, sắn, nuôi gà, dê… Thấy được lợi ích của nhóm mang lại, nhiều nam giới trong xã cũng xin tham gia, tạo cơ hội để các cặp vợ chồng ở địa phương cùng đồng lòng chia sẻ công việc, cùng biết tiết kiệm phát triển kinh tế gia đình”.

Năm 2010, Hội LHPN huyện Hướng Hóa phối hợp với Dự án Plan triển khai mô hình Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản với mục tiêu tạo chuyển biến mới về chất lượng, hiệu quả vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững. 4 xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình gồm: A Túc, A Xing (2 xã này sáp nhập thành xã Lìa), Thuận và Thanh. Đây là các xã vùng đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp chị em làm quen với hoạt động mới mẻ này, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các xã, cán bộ thôn, bản; già làng, trưởng bản, người có uy tín và nhân viên dự án về từng thôn bản để họp triển khai, tuyên truyền vận động cũng như hướng dẫn cụ thể cách thức hoạt động của Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản. Ban đầu, Dự án Plan hỗ trợ mỗi nhóm 1 bộ công cụ, gồm máy tính, hòm đựng tiền, sổ tiết kiệm, con dấu, sổ ghi chép, bút, rá, túi đựng tiền… Các tổ sẽ bầu ra ban quản lý với 5 thành viên, bao gồm tổ trưởng, thư ký, 2 người đếm tiền và 1 người giữ hòm tiền.

Ngoài ra, để đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng và minh bạch về tài chính, nhóm sẽ có 3 người giữ chìa khóa hòm đựng tiền, khi được sự nhất trí, đồng thuận của các thành viên trong nhóm thì mới được sử dụng nguồn vốn tiết kiệm. Đồng thời, mỗi nhóm sẽ thảo luận xây dựng quy chế hoạt động. Thời gian đầu tiếp cận, hội viên phụ nữ vùng bản còn ái ngại không dám tham gia nhóm vì họ cho rằng tiền sinh hoạt hằng ngày đã khó khăn thì lấy đâu ra tiền để tiết kiệm. Được sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của cán bộ phụ nữ các cấp, dần dần chị em nơi đây hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình, từ đó biết cách tiết kiệm các nguồn chi phí của gia đình để gửi vào nhóm. Tùy tình hình thực tế tại địa phương, các nhóm tiết kiệm đã linh động hình thức gửi tiết kiệm và hình thức hỗ trợ cho vay. Tiết kiệm được chừng nào cho gửi chừng đó, ưu tiên xét những hộ đặc biệt khó khăn cho vay vốn trước với mức lãi suất thấp từ 0,1% - 0,5%/tháng.

Sau 10 năm triển khai, từ chỗ mỗi xã chỉ có vài Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản làm điểm thì đến nay đa số các thôn bản ở các xã vùng Lìa đều xây dựng được nhóm tiết kiệm vốn vay, có thôn bản xây dựng được 3 - 4 nhóm, bình quân mỗi nhóm có 15 - 20 thành viên. Một số xã có nhiều Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản như xã Lìa, Thuận, Thanh… Ngoài các xã vùng Lìa, Hội LHPN huyện đã nhân rộng mô hình Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản ra một số xã phía Bắc và dọc Quốc lộ 9 trên địa bàn huyện nâng tổng số xã có Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản lên 14 xã/ trên 5.000 người tham gia với tổng số vốn huy động được lên đến hơn 30 tỉ đồng, đã và đang cho vay số tiền hơn 26 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, mỗi hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và mua giống cây hoặc dùng để đóng tiền học phí cho con. Thời hạn vay tối đa là 3 hoặc 6 tháng, phải hoàn trả lại tiền gốc đã vay cùng với lãi suất. Số tiền vay từ quỹ tiết kiệm của nhóm không lớn nhưng phần nào giúp gia đình hội viên phụ nữ có thêm nguồn kinh phí để sửa chữa chuồng trại, mua thêm con giống mở rộng chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập. Cũng từ nguồn tiết kiệm này, các nhóm đã trích riêng để xây dựng quỹ xã hội kịp thời thăm hỏi, động viên hội viên lúc ốm đau, hoạn nạn và tham gia các hoạt động tại địa phương với tổng nguồn quỹ gần 800 triệu đồng.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa Hồ Thị Thu Nhường cho biết: “Mô hình Nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản ở huyện thực sự phát huy được hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hội viên khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, thông qua mô hình này, hội viên phụ nữ đồng bào DTTS có điều kiện được tiếp cận kiến thức xã hội, kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc… Thời gian tới, hội tiếp tục nhân rộng mô hình này đối với các xã, thị trấn khác, lồng ghép thêm nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp nhiều hội viên có cơ hội thoát nghèo bền vững”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158888&title=hieu-qua-mo-hinh-nhom-tiet-kiem-von-vay-thon-ban-o-huong-hoa