Hiệu quả mô hình nuôi ghép cá chép

Để phát triển nuôi thả thủy sản hiệu quả, bền vững, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều mô hình như: Nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá lồng trên sông, nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá chép lai V1 theo hướng VietGAP, nuôi cá trắm cỏ trong lồng… Các dự án, mô hình khuyến nông đã cho hiệu quả cao, được nông dân áp dụng rộng rãi. Để từng bước giúp nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thả thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn cho sản phẩm, môi trường và người tiêu dùng, từ tháng 3/2022, Trung tâm Khuyến nông (viết tắt là Trung tâm) xây dựng mô hình nuôi ghép cá chép là chính trong ao với diện tích 3ha.

Kỹ thuật viên của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn các hộ kỹ thuật nuôi ghép cá chép

Mô hình nhằm chuyển giao công nghệ nuôi ghép cá chép là chính trong ao, phát triển cá chép và các loài cá truyền thống đạt năng suất cao, gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả cho nông dân. Mô hình được triển khai tại 5 hộ ở các xã: Hưng Long (thị xã Mỹ Hào), Việt Hưng (Văn Lâm), Tân Tiến (Văn Giang), Hoàn Long (Yên Mỹ), Quang Hưng (Phù Cừ), Hạ Lễ (Ân Thi); các hộ tham gia mô hình bảo đảm các tiêu chí theo yêu cầu. Mục tiêu của mô hình phấn đấu tỷ lệ cá sống đạt trên 70%, cỡ cá chép khi thu hoạch đạt bình quân trên 500g/con, hệ số sử dụng thức ăn 1,5, năng suất bình quân 10,5 tấn/ha.

Với quy mô thực hiện 3ha, Trung tâm đã hỗ trợ 50% cá chép giống (45.000 con), 46% lượng thức ăn công nghiệp (21.735kg), 50% lượng chế phẩm sinh học xử lý nền đáy ao (87kg), chế phẩm sinh học xử lý khí độc trong ao (144 lít), vitamin C (47,25kg), men tiêu hóa (47,25 lít). Trong quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và một số hộ ngoài mô hình. Trước khi thả cá giống 15 ngày, Trung tâm hướng dẫn các hộ tát cạn ao, vét bùn cải tạo ao, tẩy trùng cho ao bằng vôi bột với liều lượng 7 - 10kg/100m2 rải khắp mặt ao, tiến hành phơi đáy ao 7 ngày, sau đó tiến hành cấp nước cho ao với mực nước 1,8 – 2m, nước lấy vào ao được lọc qua lưới cước mau để loại bỏ cá tạp và vẩn cặn… Sau đó tiến hành kiểm tra các tiêu chuẩn của nước ao nuôi như: Độ pH, độ trong, màu nước ao… Mật độ thả, tỷ lệ ghép và kích cỡ cá giống thả được thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình.

Bà Nguyễn Thị Sen, xã Hưng Long (thị xã Mỹ Hào) tham gia mô hình với diện tích 0,5ha cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, kỹ thuật viên của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật; hướng dẫn chủ hộ tham gia mô hình không sử dụng các thiết bị, hóa chất, dụng cụ có thể gây hại cho cá. Các chế phẩm sinh học, hóa chất sử dụng để cải thiện môi trường ao nuôi, thức ăn hỗn hợp cho cá, thuốc phòng bệnh... được kỹ thuật viên hướng dẫn sử dụng đúng liều lượng và không nằm trong danh mục cấm sử dụng trong nuôi thả thủy sản. Ngoài ra, các hộ còn được hướng dẫn sử dụng thức ăn tự chế biến cho cá như: Ngô, thóc ủ mầm... bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Kỹ thuật cho cá ăn được hướng dẫn với 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều mát, lượng cám cho ăn theo khẩu phần ăn hàng tháng, theo khối lượng cá. Trong quá trình cho ăn tùy theo điều kiện thời tiết, thực trạng để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá được hướng dẫn thực hiện bằng biện pháp xử lý nguồn nước định kỳ, do vậy, trong quá trình nuôi chưa thấy dấu hiệu bệnh, cá phát triển tốt.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, sau 8 tháng nuôi, ước tỷ lệ cá sống đạt 71,87%, khối lượng bình quân đạt gần 877 gam/con, năng suất bình quân đạt hơn 19,6 tấn/ha. Hiệu quả của mô hình nuôi ghép cá chép là chính trong ao sẽ góp phần tạo đà cho nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trong lĩnh vực nuôi thả thủy sản. Mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ nuôi thả thủy sản về bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động từ quá trình nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, mô hình đã giúp các hộ nuôi thả thủy sản khắc phục những vướng mắc về kỹ thuật sử dụng thuốc, thức ăn... trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Cá chép nuôi ghép với các đối tượng cá truyền thống phù hợp với điều kiện sản xuất trên địa bàn tỉnh. Cá chép có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, đây là loại cá dễ nuôi, ít bị bệnh, nguồn thức ăn phong phú, tận dụng được các phụ phẩm từ nông nghiệp... Nuôi ghép còn tận dụng được tầng sống, thức ăn, quá trình nuôi ít có dịch bệnh nghiêm trọng, quản lý đơn giản, chất lượng cá ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong quá trình triển khai, Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp chủ hộ và một số hộ nông dân nuôi thả thủy sản khác tiếp thu và nắm bắt kỹ thuật áp dụng vào thực tế đạt kết quả cao. Đồng thời, Trung tâm hỗ trợ đầy đủ, kịp thời giống và các loại vật tư bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, do vậy, cá phát triển tốt, các chỉ tiêu về kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu của mô hình.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202211/hieu-qua-mo-hinh-nuoi-ghep-ca-chep-7be2b24/